TVET Vietnam

Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam

Thách thức

Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong hai thập kỷ qua. Tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 7%, mang tới sự phát triển kinh tế năng động. Điều này được thể hiện qua sự chuyển mình của Việt Nam từ một nước nghèo trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp1 . Tuy nhiên, những thành tựu này đối mặt với nhiều thách thức, do mức tiêu thụ tài nguyên gia tăng, ô nhiễm môi trường và thiếu nguồn nhân lực qua đào tạo, hiện chỉ chiếm 26% tổng lực lượng lao động toàn quốc.
Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Nam chưa thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường cả về chất lượng và số lượng, kỹ năng và năng lực của sinh viên tốt nghiệp trường nghề còn chưa phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Điều này là do hợp tác giữa các cơ sở GDNN và khối doanh nghiệp còn lỏng lẻo, các chương trình đào tạo chưa cập nhật và thiếu thực hành. Ngoài ra, phần lớn các bạn trẻ và các bậc phụ huynh vẫn ưu tiên giáo dục đại học hơn đào tạo nghề, dẫn tới số lượng học viên học nghề còn hạn chế. Đại dịch Covid-19 cũng cho thấy sự cần thiết của một hệ thống GDNN mở, linh hoạt và tận dụng được những lợi thế từ chuyển đổi số.

CÁCH TIẾP CẬN

Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” được ủy quyền bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) và thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thuộc Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH). Mục tiêu của chương trình là nâng cao chất lượng của GDNN để thích ứng với thế giới việc làm không ngừng thay đổi, ngày càng trở nên xanh và được số hóa hơn. 

Các chủ đề hoạt động chính của Chương trình bao gồm:
• Tư vấn chính sách về cải cách hệ thống và hành chính để nâng cao tính thích ứng của GDNN trong thế giới việc làm không ngừng thay đổi.
• Hỗ trợ mười một trường cao đẳng chất lượng cao cung cấp những khóa đào tạo theo mô-đun ở trình độ cấp trung cấp và cao đẳng, định hướng tiêu chuẩn của Đức và Quốc tế, đồng thời phù hợp với những yêu cầu và quy định của Việt Nam. Ngoài ra, một số trường cao đẳng chất lượng cao cũng tiếp nhận chức năng khác đối với hệ thống GDNN, như bồi dưỡng nâng cao cho cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý của các cơ sở GDNN khác cũng như của người lao động và người đang tìm kiếm việc làm.

• Tăng cường hợp tác với khối doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và cập nhật những tiêu chuẩn nghề và chương trình đào tạo định hướng nhu cầu, trong việc nâng cao chất lượng cán bộ đào tạo và đánh giá tại doanh nghiệp; giới thiệu và cải thiện công tác đào tạo tại doanh nghiệp và xây dựng cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các bên, như hội đồng tư vấn nghề. Một số thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp đã được triển khai, trong đó có hợp tác với Siemens để xây dựng chương trình đào tạo cho sản xuất thông minh, và hợp tác với Bosch Rexroth để lồng ghép các yếu tố của Công nghiệp 4.0 vào đào tạo tại Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA2, tỉnh Đồng Nai.
• Thúc đẩy chuyển đổi số thông qua tư vấn chính sách, phát triển năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho GDNN 4.0, xây dựng nền tảng giáo dục mở và linh hoạt.
• Đẩy mạnh đảm bảo chất lượng và giám sát đánh giá hệ thống thông qua việc hợp tác với Viện nghiên cứu Đào tạo nghề liên bang (BIBB).
• Triển khai nhiều hoạt động nâng cao hình ảnh của GDNN và thúc đẩy vấn đề hòa nhập trong GDNN. Những ngày Nữ sinh, Nam sinh được tổ chức tại các cơ sở GDNN; nhiều học bổng được trao cho người khuyết tật và học viên nữ theo học những ngành kỹ thuật. Chương trình cũng hỗ trợ các cuộc thi kỹ năng nghề và hỗ trợ Việt Nam tham dự kỳ thi tay nghề Thế giới (WorldSkills).
• Tổ chức những khóa đào tạo ngắn hạn cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

KẾT QUẢ

Ở cấp hệ thống, khoảng 150 chuyên gia và cán bộ quản lý của Tổng cục GDNN và Bộ LĐ-TB&XH đã qua đào tạo áp dụng những năng lực mới nhằm đổi mới hệ thống GDNN và xây dựng khung pháp lý dựa trên Luật GDNN. Những khuyến nghị được rút ra từ những hoạt động thí điểm nhằm tăng cường hợp tác với khối doanh nghiệp trong lĩnh vực GDNN sẽ được lồng ghép vào một số văn bản.

Các công cụ giám sát và đánh giá, như nghiên cứu lần vết, khảo sát doanh nghiệp và quản lý xưởng thực hành đã được xây dựng, thí điểm tại các cơ sở GDNN và được lồng ghép vào hệ thống quản lý chất lượng và kiểm định quốc gia.

Chuyển đổi số trong GDNN đã được quan tâm với những tư vấn chiến lược, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ quản lý và giáo viên nòng cốt, trang bị những phòng dạy và học trực tuyến tại Tổng cục GDNN và các trường cao đẳng đối tác.

Viện Khoa học GDNN (thuộc Tổng cục GDNN) được nâng cao năng lực trong khuôn khổ hợp tác ba bên giữa Viện, GIZ và Viện Đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB). Báo cáo quốc gia về Giáo dục nghề nghiệp được ra mắt thường niên nhằm thúc đẩy quá trình hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng thực tiễn trong lĩnh vực GDNN. Chương trình cũng phối hợp với BIBB và các đối tác đưa ra những khuyến nghị đóng góp cho chiến lược GDNN giai đoạn 2021-2030. Những sự kiện quảng bá hình được được tổ chức, tiếp cận 24,000 bạn trẻ và phụ huynh, đóng góp vào việc nâng cao nhận thức về GDNN ở Việt Nam. Các chiến dịch và hoạt động lồng ghép giới cũng giúp tăng số lượng nữ sinh trong các ngành nghề được hỗ trợ từ 2.1% năm 2018 lên 4.4% năm 2020.

Chương trình đã phối hợp cùng các đối tác Việt Nam để xây dựng một khái niệm và bộ tiêu chí về trường cao đẳng chất lượng cao. Chương trình cũng hỗ trợ phát triển những tiêu chuẩn nghề định hướng nhu cầu và những chương trình đào tạo định hướng thực hành, với sự hợp tác từ hơn 90 doanh nghiệp và sáu Hiệp Hội ngành. Một mô-đun đào tạo xanh về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên cũng đã được áp dụng và nhân rộng. 13 hội đồng tư vấn nghề với sự tham gia của 40 công ty và sáu Hiệp hội ngành được thành lập tại các trường cao đẳng đối tác, đóng góp vào hiệu quả thực hiện chương trình đào tạo phối hợp.

Bên cạnh đó, 385 giáo viên từ các trường cao đẳng đối tác đã được hỗ trợ, đào tạo, nâng cao kiến thức, chuyên môn, kỹ năng sư phạm và kỹ năng kiểm tra đánh giá. Một chương trình đào tạo cho cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp đã được xây dựng và phê duyệt và đến nay, 55 cán bộ đã được đào tạo.

Mỗi năm, hơn 1.300 học viên được hưởng lợi từ những các khóa đào tạo hướng cầu tại các cơ sở GDNN được hỗ trợ và hơn 23.000 người được hưởng lợi gián tiếp từ các trang thiết bị và đội ngũ giáo viên đã được nâng cao năng lực. Năm 2020, Chương trình đã phối hợp cùng các trường cao đẳng đối tác cung cấp miễn phí các khóa học nghề ngắn hạn cho gần 1.000 lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Các khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp ngày càng hài lòng hơn với năng lực học viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng đối tác. Mỗi năm, hơn 2.2 triệu học viên nghề được hưởng lợi từ các chính sách GDNN tiến bộ.

Share on print
Share on email

THÔNG TIN CHUNG

Tên chương trình

Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam

Ủy quyền bởi

Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế CHLB Đức (BMZ)

Địa bàn dự án

Bắc Ninh, Hà Nôi, Hà Tĩnh, Huế, Nha Trang, Ninh Thuận, tp Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, An Giang

Đối tác thực hiện

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

Thời gian

09/2020 – 08/2023

TÀI LIỆU