TVET Vietnam

Chuyển đổi Số

Chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành một xu hướng tất yếu, tạo ra những thay đổi toàn diện cho các tổ chức và cả trong đời sống hàng ngày của mỗi cá nhân. Môi trường số ngày càng phát triển tạo ra những cách làm việc, phương thức giao tiếp và lối sinh hoạt mới. Chính phủ Việt Nam rất coi trọng CĐS, trọng tâm xây dựng chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số và đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm định hướng cho việc này. Dưới tác động của thế giới việc làm đang thay đổi không ngừng, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Công nghiệp 4.0), việc tăng cường quyền tự chủ và năng lực cạnh tranh trong giáo dục và đào tạo, và gần đây là đại dịch COVID-19, CĐS được xem là nhu cầu cấp thiết để hệ thống Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trở nên linh hoạt, cởi mở, thích ứng và đáp ứng hơn. 

Việt Nam hiện có 56 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có 26% lực lượng lao động có trình độ chuyên môn (theo Tổng cục Thống kê 2021). Hệ thống GDNN ở Việt Nam đang đào tạo 2,2 triệu học viên/năm. Trong khi đó, Tổng cục GDNN dự báo nhu cầu về lao động qua đào tạo nghề bao gồm cả đào tạo lại và đào tạo nâng cao là rất lớn trong những năm tới, đặc biệt là nguồn lao động có tay nghề cao. Bối cảnh hiện tại cho thấy nhu cầu, cơ hội và tiềm năng mà CĐS có thể đem lại cho GDNN Việt Nam là rất lớn. Ví dụ, việc sử dụng các giải pháp nền tảng số như học trực tuyến và nguồn tài nguyên giáo dục mở có thể giúp mở rộng quy mô đào tạo nghề.  

Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam II” được Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) tài trợ, và do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp với Tổng cục GDNN thực hiện. CĐS đã trở thành chủ đề hỗ trợ trọng tâm của Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam II (Chương trình) thuộc Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức kể từ tháng 09/2020. Chương trình tập trung vào hỗ trợ ba mảng chính: 1) Tư vấn chính sách và chiến lược CĐS, 2) Nâng cao năng lực CĐS cho đội ngũ cán bộ và nhà giáo, 3) Tư vấn và hỗ trợ phát triển các giải pháp số cho các đối tác GDNN ở cả cấp vĩ mô và vi mô. Các hoạt động hỗ trợ của Chương trình dựa trên nghiên cứu thực trạng, thí điểm triển khai tại 11 trường cao đẳng đối tác, từ đó rút ra kinh nghiệm thực tiễn giúp phân tích và xác định nhu cầu, tham vấn chiến lược, và nhân rộng các sáng kiến CĐS ở cấp hệ thống. CĐS được xem như một phương thức và tạo nền tảng vững chắc cho quản trị và điều hành số trong GDNN, hoạt động dạy và học trực tuyến, và phân tích số liệu hỗ trợ xây dựng chính sách, đổi mới nội dung đào tạo và dịch vụ cho học viên, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp. 

CÁCH TIẾP CẬN

Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam II thúc đẩy việc tiếp cận CĐS trong GDNN một cách tổng thể, toàn diện và mang tính hệ thống bằng cách sử dụng hệ sinh thái CĐS. Hệ sinh thái do GIZ tư vấn đã được Tổng cục GDNN cũng như các trường cao đẳng đối tác chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong hệ thống. Hệ sinh thái CĐS có cấu trúc bao gồm 06 hợp phần bao gồm: 1) CĐS nội dung đào tạo; 2) đổi mới phương pháp dạy và học; 3) nhà giáo và học viên số; 4) hạ tầng số, nền tảng số và học liệu số; 5) quản trị và quản lý số; 6) thể chế và hành lang pháp lý về CĐS, và 02 nội dung bao trùm, bao gồm: Dữ liệu và kết nối và An toàn - an ninh mạng. Các hợp phần này tích hợp chặt chẽ với nhau, thay đổi một hợp phần có thể tác động đến những hợp phần khác. Quá trình CĐS khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan gồm các nhà lãnh đạo và quản lý, cán bộ, nhà giáo, cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp, học viên và người lao động đến từ các cơ quan quản lý trong hệ thống GDNN, các cơ sở GDNN, các doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp.