TVET Vietnam

Viện nghiên cứu Khoa học Dạy nghề và các đối tác thống nhất “Trường nghề chất lượng cao” sẽ là chủ đề của Báo cáo Dạy nghề Việt Nam 2015

 “Báo cáo thường niên về dạy nghề Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Khoa học và Dạy nghề/Tổng cục Dạy nghề (TCDN) biên soạn trong sự hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Viện Giáo dục và Đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB) từ năm 2011, là công cụ rất quan trọng phục vụ quá trình ra quyết định chính trị và hoạch định chính sách dựa trên số liệu. Tập trung vào chủ đề Trường nghề chất lượng cao có nghĩa là tập trung vào thành tố hệ thống rất quan trọng giúp nâng cao chất lượng lực lượng lao động”, TS. Nguyễn Hồng Minh, tân Tổng cục Trưởng TCDN, đã phát biểu trong buổi khai mạc hội thảo “Báo cáo Dạy nghề Việt Nam 2015: Chủ đề Trường nghề chất lượng cao”. Hội thảo do Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề/TCDN đồng tổ chức với Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam của GIZ và BIBB diễn ra ngày 20 – 21/4/2016. Mục đích chính của hội thảo là nhằm đạt được sự đồng thuận về các chỉ số cho Báo cáo Dạy nghề sắp tới trong việc giám sát và thực hiện Chiến lược Phát triển Dạy nghề 2011 – 2020 với nội dung có liên quan đến “Trường nghề chất lượng cao”.

Từ năm 2010, GIZ và BIBB đã cung cấp tư vấn kỹ thuật cho Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề thông qua các cuộc hội thảo, các chuyến công tác ở Đức và các chuyên gia hòa nhập để thiết lập hệ thống giám sát và báo cáo dạy nghề bền vững. Năng lực nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề đã được tăng cường để xây dựng các Báo cáo Dạy nghề quốc gia, đây cũng là báo cáo đầu tiên ở khu vực ASEAN. Báo cáo Dạy nghề Việt Nam 2015 sẽ tập trung vào giám sát sự phát triển của 45 trường dạy nghề chất lượng cao, những trường dự kiến sẽ cung cấp đào tạo nghề ban đầu có chất lượng cao và đào tạo nghề nâng cao ở cấp độ tương đương với tiêu chuẩn quốc tế theo như Quyết định số 761 của Thủ tướng Chính phủ. Số liệu phân tích trong Báo cáo dạy nghề sẽ cho phép quyết định được đưa ra dựa trên chứng cứ trong lĩnh vực dạy nghề nói chung và đặc biệt là cho quá trình phát triển của 45 trường dạy nghề chất lượng cao.

Những kinh nghiệm quốc gia và quốc tế đã được chia sẻ trong hội thảo. Các chuyên gia BIBB, ông Michael Schwarz và ông Peter Rechmann, đã trình bày các yếu tố của hệ thống đào tạo nghề kép của Đức. Các chuyên gia đã minh họa cấu trúc và hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề liên doanh nghiệp ở Đức với sự tập trung vào cơ chế tài chính chung của Chính phủ liên bang, các bang và khu vực kinh doanh cũng như cách tiếp cận linh hoạt của các chương trình đào tạo phụ thuộc vào các lĩnh vực hoặc khu vực cụ thể. TS Horst Sommer, Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam, nhấn mạnh điều này trong bài trình bày của mình và chỉ ra lịch sử phát triển của cách tiếp cận trường nghề chất lượng cao. Ông làm sáng tỏng các tiêu chí khác nhau cho Trường dạy nghề chất lượng cao ở Việt Nam và nhấn mạnh “Quyết định số 761 của Thủ tướng Chính phủ được hình thành như một chương trình mở. Một vài yếu tố của hệ thống đào tạo nghề Đức có thể được thích ứng theo các nhu cầu cụ thể và hiện trạng của các Trường dạy nghề chất lượng cao ở Việt Nam.”

Ông Phạm Xuân Thu – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề, trình bày tổng quan về chiến lược của Chính phủ Việt Nam về thiết lập 45 trường nghề chất lượng cao và nhấn mạnh tầm quan trọng của các tiêu chí khác nhau cho trường nghề chất lượng cao. Các tiêu chí này cũng  phản ánh trong kết quả cuộc khảo sát 45 trường nghề chất lượng cao được triển khai năm 2015 do TS Phạm Vũ Quốc Bình – Cục trưởng, Cục Kiểm định Chất lượng Dạy nghề Việt Nam, trình bày. Đại diện của một trong 45 trường nghề chất lượng cao, Ông Nguyễn Khánh Cường – Phó Hiệu trưởng, Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2 trình bày một ví dụ thú vị về cách thức các tiêu chí trường nghề chất lượng cao tạo nên cơ sở cho kế hoạch phát triển của LILAMA 2, kế hoạch này được xây dựng bởi các cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường với sự hỗ trợ của chuyên gia Đức.

Phiên làm việc nhóm cho thấy nhu cầu trao đổi giữa các đại biểu trong hội thảo rất lớn. Những phần thảo luận về các tiêu chí nhỏ hơn đối với các loại tiêu chí của trường nghề chất lượng cao cũng như những câu hỏi định hướng phù hợp cho cáo cáo đã được làm rõ. Các câu hỏi định hướng là cơ sở để xây dựng các chỉ số cho Báo cáo Dạy nghề Việt Nam 2015. Một chỉ số quan trọng đã được hình thành trong hội thảo hướng đến việc đo lượng chất lượng và quy mô, trong đó một trường nghề chất lượng cao tiềm năng công khai số liệu kinh doanh và báo cáo tài chính của mình. Một chỉ số khác xác định tỷ lệ của các doanh nghiệp và hiệp hội tham gia vào phát triển chương trình của các cơ sở dạy nghề để đo lường nhu cầu và định hướng thực hành của các chương trình đào tạo.

Sau hai ngày làm việc căng thẳng, các đại biểu nhất trí về kế hoạch biên soạn các chương khác nhau của Báo cáo Dạy nghề Việt Nam 2015. TS Vũ Xuân Hùng – Viện trưởng, Viên Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề, cũng là đơn vị đồng tổ chức hội thảo, kết luận trong bài phát biểu của mình “Đây là một trong số những hội thảo thành công nhất mà tôi đã tham dự. Tôi rất vui vì kế hoạch biên soạn Báo cáo Dạy nghề sắp tới được thống nhất và sẵn sàng đón nhận những thử thách trong tương lai.”

Đọc thêm bài viết từ Viện Giáo dục và Đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB) tại đây.

 

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook