TVET Vietnam

Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2: Hội thảo “Thành tựu và bài học kinh nghiệm từ mô hình Đào tạo Phối hợp”

Ngày 20/10/2020, trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2, Đồng Nai đã tổ chức hội thảo chia sẻ thành tựu và bài học kinh nghiệm từ việc triển khai các chương trình đào tạo phối hợp theo tiêu chuẩn CHLB Đức.

Hội thảo vinh dự đón tiếp lãnh đạo từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Sở LĐ, TB& XH, các cơ sở GDNN khác cũng như các đại biểu từ các hiệp hội và doanh nghiệp đối tác.

Phát biểu khai mạc buổi hội thảo, ông Nguyễn Khánh Cường – hiệu trưởng trường LILAMA 2 khẳng định đây là cơ hội để trường LILAMA 2 chứng tỏ năng lực của mình trong việc triển khai đào tạo chất lượng cao, theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, từ đó góp phần cải thiện hệ thống GDNN Việt Nam.

Từ năm 2016, trong khuôn khổ chương trình hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”, được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức, trường LILAMA2 và các doanh nghiệp đối tác đã triển khai các khóa đào tạo trình độ cao đẳng cho bốn nghề: Cắt gọt kim loại, Cơ khí xây dựng, Cơ điện tử và Điện tử công nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia từ quá trình xây dựng chương trình đào tạo, triển khai đào tạo tại doanh nghiệp đến đánh giá năng lực người học tại các kỳ thi tốt nghiệp. Trong bốn năm qua, 341 học viên đã được tuyển chọn và đào tạo theo tiêu chuẩn Đức. Các giảng viên và cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp đã được các chuyên gia Đức bồi dưỡng năng lực tại Việt Nam và Đức, trong đó 18 giảng viên đã được công nhận trình độ chuyên môn tương đương kỹ thuật viên lành nghề của Đức. Trường LILAMA2 cũng được cơ quan có thẩm quyền của Đức – Phòng thủ công nghiệp Đức (HWK Erfurt) – trao “Thư công nhận” về tính tương đương tiêu chuẩn Đức của bốn chương trình đào tạo thí điểm.

Cũng nhân dịp này, nhà trường đã trao chứng nhận hoàn thành Chương trình đào tạo phối hợp theo tiêu chuẩn Đức cho 111 sinh viên tốt nghiệp các lớp thí điểm đầu tiên của khóa 1 và khóa 2. Các kỳ thi tốt nghiệp cho các lớp thí điểm tại LILAMA2 đã được Phòng Thủ công nghiệp Erfurt hỗ trợ xây dựng, tổ chức và giám sát. Quy trình triển khai kỳ thi tốt nghiệp cũng đã được công nhận tương đương quy chế thi của Đức.

“Những học viên tốt nghiệp có năng lực và trình độ tương đương với các tiêu chuẩn Quốc tế, đáp ứng được công việc trong tương lai. LILAMA2 cũng chứng minh rằng mô hình đào tạo phối hợp hoàn toàn có thể được triển khai hiệu quả tại Việt Nam. Với mô hình này, cơ sở GDNN và doanh nghiệp cùng nhau tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo, triển khai đào tạo tại trường và tại doanh nghiệp, cũng như đánh giá học viên khi tốt nghiệp”, Tiến sĩ Juergen Hartwig, Giám đốc chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” chia sẻ.

Các chuyên gia của GIZ cũng đã hỗ trợ LILAMA 2 lồng ghép các yêu cầu về số hóa và xanh hóa giáo dục nghề nghiệp vào các chương trình đào tạo mới, phù hợp với Thông tư 03/2017/TT-BLĐTBXH về quy định phát triển chương trình đào tạo. Những chương trình này được xây dựng linh hoạt và cho phép liên thông giữa các trình độ.

Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao những thành tựu đạt được của chương trình đào tạo phối hợp, cũng như là phát triển bốn bộ Chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn Đức của LILAMA 2 cùng sự hỗ trợ của GIZ. “Các bộ Chương trình đào tạo này không chỉ được triển khai tại LILAMA 2 mà cần phải được nhân rộng cho các cơ sở GDNN khác cũng như cho hệ thống. Tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan của Tổng cục để sớm xúc tiến kế hoạch tiếp nhận và nhân rộng các bộ Chương trình đào tạo này cho các trường thuộc hệ thống trong tương lai.” Tiến sĩ Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Để nối tiếp việc triển khai thành công chương trình đào tạo phối hợp cũng như nhân rộng mô hình này cho các cơ sở GDNN khác ở Việt Nam, một Biên bản ghi nhớ (MoU) cho giai đoạn hợp tác tiếp theo đã được ký kết tại buổi hội thảo, đánh dấu cột mốc hợp tác mới giữa GIZ và LILAMA 2.

Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện.

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook