TVET Vietnam

Tổng cục Dạy nghề và GIZ tổ chức hội nghị Tổng kết chương trình Hợp tác Kỹ thuật “Đào tạo nghề 2008”

Hôm nay, Tổng cục Dạy nghề (TCDN) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ (GIZ) đồng phối hợp chủ trì Hội nghị tổng kết cho hợp phần Hợp tác Kỹ thuật của “Chương trình Đào tạo nghề 2008” (PVT 2008).

PVT 2008 là một hợp phần của “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”, được cam kết thực hiện giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức năm 2008 trong khuôn khổ lĩnh vực ưu tiên Đào tạo Nghề của Hợp tác Phát triển Việt – Đức. Dưới sự ủy nhiệm của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), GIZ thực thi mảng hợp tác kỹ thuật, tập trung vào các hoạt động phát triển năng lực. Các hoạt động hợp tác tài chính được thực hiện bởi Ngân hàng Phát triển Đức (KfW), bao gồm việc cung cấp và lắp đặt thiết bị đào tạo tương ứng với các lĩnh vực nghề được hỗ trợ. Mục tiêu của PVT 2008 là tăng cường cung ứng lực lượng lao động có chất lượng, được đào tạo theo định hướng thị trường thông qua việc hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề được lựa chọn ở những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng.

PVT 2008 đã áp dụng cách tiếp cận mới trong việc lựa chọn các cơ sở đào tạo nghề đối tác. TCDN, KfW và GIZ đã cùng nhau xây dựng bộ tiêu chí phản ánh các nội dung như đào tạo theo định hướng việc làm, tính bền vững về tài chính, trình độ năng lực nhân sự và cơ cấu tổ chức được thiết lập có hiệu quả. Bộ tiêu chí này được sử dụng để đánh giá và lựa chọn các cơ sở đào tạo nghề. Với cách tiếp cận mới mẻ này, PVT 2008 đã chọn được các cơ sở đào tạo nghề phù hợp nhất làm đơn vị thụ hưởng của dự án, đó là: Trường Cao đẳng nghề An Giang, Trường Cao đẳng nghề Long An, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, Trường Cao đẳng nghề Kinh tế – Kỹ thuật Bắc Ninh và Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt Bắc VINACOMIN.

Trong khuôn khổ HTKT, PVT 2008 đã hỗ trợ năm cơ sở đào tạo nghề đối tác thông qua các hoạt động đào tạo nâng cao. Các hoạt động này tạo điều kiện cho phép các giáo viên có đủ năng lực để xây dựng và thực hiện các khóa đào tạo lao động theo định hướng thị trường ở một số ngành nghề chọn lọc là cắt gọt kim loại & CNC, điện/điện tử và cơ điện tử. PVT 2008 cũng cung cấp các khóa đào tạo cán bộ quản lý cho các cơ sở đào tạo nghề nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp, lập kế hoạch phát triển năng lực và quản lý xưởng thực hành hiệu quả.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ – TBXH), TCDN hợp tác chặt chẽ với các đối tác phát triển Đức triển khai các hoạt động nhằm tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo nghề tại Việt Nam. Trong khuôn khổ PVT 2008, GIZ đã cùng với các chuyên gia Đức và Việt Nam thực hiện các hoạt động phát triển năng lực thông qua công tác hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề đối tác. Sau bốn năm hoạt động, chương trình đã đạt được những kết quả sau:

  • 28 bộ tài liệu dạy và học ở các mô-đun đào tạo khác nhau (với các chuyên ngành cắt gọt kim loại & CNC, điện/điện tử và cơ điện tử) đã được điều chỉnh và phát triển; cùng với đó là bốn tài liệu hướng dẫn đã được biên soạn về các chủ đề như sư phạm dạy nghề và quản lý xưởng thực hành.
  • 81 giáo viên đã hoàn thành các khóa đào tạo trong các ngành nghề được hỗ trợ (cắt gọt kim loại & CNC, điện/điện tử và cơ điện tử). Việc đánh giá được thực hiện với các công cụ tiêu chuẩn của Đức cho thấy sự cải thiện về năng lực thực hành của giáo viên. Bên cạnh đó, 64 cán bộ quản lý cũng đã được tham gia vào khóa đào tạo về kỹ năng quản lý.
  • Các mô hình hợp tác với doanh nghiệp đã được giới thiệu và triển khai thí điểm ở các cơ sở đào tạo nghề đối tác. 13 loại hình hợp tác với các doanh nghiệp đã được phân loại và thực hiện theo nhu cầu của địa phương. Kinh nghiệm từ các trường hợp thành công đã được biên soạn thành tài liệu hướng dẫn.
  • Ba công cụ quản lý chất lượng (nghiên cứu lần vết, khảo sát doanh nghiệp và quản lý xưởng thực hành) đã được thử nghiệm thành công và triển khai ở các cơ sở đào tạo nghề đối tác.
  • Bốn cuộc triển lãm ảnh đã được tổ chức ở ba cơ sở đào tạo nghề hướng tới cải thiện hình ảnh của đào tạo nghề tại Việt Nam.

Hội nghị diễn ra với sự tham gia của các cơ quan hữu quan trong lĩnh vực đào tạo nghề ở cấp trung ương như Bộ LĐ – TBXH và Bộ Kế hoạch – Đầu tư, đại diện của cộng đồng doanh nghiệp như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội, như Hiệp hội Đào tạo nghề và Nghề công tác xã hội Việt Nam (VVTA). Hội nghị cung cấp cơ hội cho các đối tác chia sẻ, trưng bày và ghi nhận những thành tựu đạt được để học hỏi kinh nghiệm và cùng nhau thống nhất các giải pháp duy trì và phát huy những thành tựu đã đạt được ở cả cấp trung ương và cấp thực hiện.

Để có thêm thông tin, vui lòng truy cập trang web của chúng tôi: www.tvet-vietnam.orghttp://www.giz.de/en/worldwide/18746.html

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook