TVET Vietnam

Thời đại số hóa và Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải linh hoạt hơn và hợp tác chặt chẽ hơn với khối doanh nghiệp

Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2017

Là một phần quan trọng của APEC Việt Nam 2017, Hội thảo về Giáo dục Nghề nghiệp và Bảo trợ Xã hội trong Thời đại Số hóa và Cách mạng Công nghiệp 4.0 khai mạc sáng nay tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội. Hội thảo họp mặt nhiều nhà hoạch định chính sách quan trọng, các học giả và nhà giáo dục từ Việt Nam và các nước APEC. Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, ông Doãn Mậu Điệp-Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam cũng như các nước APEC cần được điều chỉnh phù hợp để tận dụng tối đa những cơ hội và giải quyết các rủi ro mà thời đại số hóa và Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể mang lại.

Tiến sĩ Horst Sommer – Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam – GIZ được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam mời trình bày với tư cách là diễn giả chính của hội thảo. Báo cáo đề dẫn của ông với tựa đề “Ảnh hưởng của Thời đại Số hoá và Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với Việc làm, Giáo dục Nghề nghiệp và Bảo trợ Xã hội: Cơ hội hay Nguy cơ” đã thu hút sự chú ý của các đại biểu và là tiền đề thảo luận sôi nổi về các giả định chung, dự báo tác động đối với thị trường lao động, quá trình thay đổi trong các lĩnh vực cụ thể và thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.

Trong bài trình bày của mình, Tiến sĩ Horst Sommer nhấn mạnh sự cần thiết của tính linh hoạt trong việc xây dựng, thực hiện và đánh giá hoạt động giáo dục nghề nghiệp và tính cấp thiết của việc hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp. Tiến sĩ Sommer nhấn mạnh rằng sự linh hoạt cần được đảm bảo thông qua việc giảm thiểu tối đa mức độ can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước, và thực hiện chức năng quản lý nhà nước hiệu quả. Ngoài ra, tiêu chuẩn kỹ năng nghề cần nêu rõ các kết quả đầu ra chủ chốt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được phép phối hợp với doanh nghiệp điều chỉnh tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình đào tạo thường xuyên hơn. Điều này cũng có nghĩa phải giảm bớt mức độ quản lý vi mô và và quy định chi tiết quá mức của các cơ quan chức năng và tăng quyền tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cho phép họ phát triển linh hoạt các chương trình đào tạo theo nhu cầu thay đổi nhanh chóng của khối doanh nghiệp.

Tiến sĩ Horst Sommer nói rằng cần phải có sự hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp vì các doanh nghiệp là những người đi đầu chuẩn bị cho Cách mạng Công nghiệp 4.0. Điều này cho thấy sự cần thiết rằng khối doanh nghiệp, bao gồm các hiệp hội nghề nghiệp và các nhà tuyển dụng tiềm năng phải có vai trò quyết định trong việc xác định các tiêu chuẩn nghề nghiệp và các chương trình đào tạo, thiết kế, thực hiện và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Tiến sĩ Sommer kết luận rằng cơ chế phối hợp này giúp cung cấp các chương trình đào tạo gắn liền với việc làm, được công nhận bởi cộng đồng doanh nghiệp và phù hợp với quá trình phát triển công nghệ. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong đào tạo (theo mô hình đào tạo phối hợp) có thể giúp triển khai các giai đoạn đào tạo thực hành chuyên sâu tại doanh nghiệp, nơi các học viên có cơ hội học tập trong môi trường sản xuất thực tế.

TIN TỨC KHÁC