TVET Vietnam

Thi thử theo tiêu chuẩn Đức dành cho cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp và sinh viên khóa đào tạo nghề Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải

Từ ngày 21/03 đến ngày 25/03/2018 , Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (TCGDNN), Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) đã phối hợp cùng trường Cao đẳng kỹ nghệ II thành phố Hồ Chí Minh (HVCT) đã tổ chức kỳ thi thử nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải” theo tiêu chuẩn Đức tại nhà máy xử lý nước thải (XLNT) Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đối tượng tham gia lần thi thử này bao gồm 9 cán bộ đào tạo mới đến từ các doanh nghiệp thoát và xử lý nước thải từ các tỉnh Thái Nguyên, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương cùng sinh viên lớp đào tạo thí điểm nghề Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải.

Kỳ thi thử được tổ chức theo định hướng tiêu chuẩn CHLB Đức về quy trình thi, cấu trúc thi và đề thi với giám khảo là chuyên gia kỹ thuật của Công ty Thoát nước Dresden, CHLB Đức. Các thí sinh đã trải qua một bài thi lý thuyết và bốn phần thi thực hành: Giới thiệu quy trình công nghệ tại nhà máy XLNT, Bảo dưỡng thiết bị, Xuống Cống, Ngắt vận hành và tái vận hành cụm thiết bị. Cả 4 phần thi thực hành đều được thực hiện trong cùng một ngày trên dây chuyền công nghệ thực tế tại nhà máy với thời gian tổng cộng gần 4 giờ.

Tương tự như những lần thi thử trước, việc ra đề và đánh giá đều do hai chuyên gia Đức cùng các cán bộ có kinh nghiệm và tay nghề cao của các doanh nghiệp đảm nhiệm. Đề thi tập trung vào những câu hỏi, nhiệm vụ và tình huống nghiệp vụ xảy ra trong công việc hằng ngày tại nhà máy. Mô hình thi này thể hiện rõ tiêu chí của chương trình, đó là đào tạo phải gắn liền với nhu cầu của xã hội, cụ thể là nhu cầu của doanh nghiệp về kỹ thuật viên có tay nghề.

Nguyên nhân khiến cho mô hình thi thử theo tiêu chuẩn Đức nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ các doanh nghiệp có thể kể đến việc đề thi sát với thực tế vận hành và việc áp dụng các tiêu chuẩn kĩ thuật của Đức – có chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế Viêt Nam – trong khâu tổ chức quy trình thi, ra đề thi và đánh giá, giúp cho các doanh nghiệp có được cái nhìn sát thực về năng lực làm việc của nhân sự trong môi trường làm việc thực tế. Qua đó, dự án cùng với doanh nghiệp xây dựng lộ trình củng cố chuyên môn và năng lực của các đào tạo viên, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho đội ngũ công nhân kỹ thuật tại các doanh nghiệp.

Đối với các sinh viên sắp tốt nghiệp, lợi ích của kì thi thử đối với các em là các em có cơ hội được chứng tỏ năng lực làm việc của mình trong môi trường làm việc thực tế với các thiết bị kỹ thuật đang được sử dụng tại các công ty nước thải. Từ kì thi thử này, HVCT và các doanh nghiệp đang hợp tác đào tạo có điều kiện quan sát, rút ra kinh nghiệm để có thể áp dụng vào việc ra đề và tổ chức thi cho kì thi tốt nghiệp sắp tới của lớp đào tạo nghề thí điểm. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng trường HVCT cho biết “Mô hình thi này có tính thực tiễn cao, cho phép sát hạch học viên một cách toàn diện về kiến thức cũng như kỹ năng cần có trong môi trường công việc thực tế. Sau khi áp dụng cách thức ra đề thi và tổ chức thi này cho kì thi tốt nghiệp của lớp thí điểm thì nguyện vọng cao hơn nữa của nhà trường là có thể lan tỏa mô hình thi thử cho tất cả các lớp đào tạo nghề hiện có.”

Lần thi thử này cũng đánh dấu sự kết hợp của các giám khảo Việt và chuyên gia Đức trong việc tổ chức một mô hình thi chuyên nghiệp. Kiến thức chuyên môn cùng kinh nghiệm của các chuyên gia Đức rất được các giám khảo người Việt hoan nghênh. Các giám khảo người Việt chính là người tư vấn, điều chỉnh sao cho bài thi sâu sát với yêu cầu thực tế và môi trường làm việc tại Việt Nam. Sự kết hợp này khiến cho cấu trúc đề thi nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ các thí sinh tham gia.

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook