TVET Vietnam

Tăng cường gắn kết với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và tính hướng cầu của các hoạt động GDNN tại Việt Nam

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22, 23/10/2018 – Việc chủ động gắn kết với các bên liên quan trong Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đặc biệt là với khối doanh nghiệp là một trong những điều kiện thiết yếu nhằm đảm bảo chất lượng và tính hướng cầu của các hoạt động GDNN. Tập trung thảo luận xoay quanh chủ đề này, Tổng cục GDNN và Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo Việt Nam” phối hợp tổ chức hai hội thảo chuyên đề: “Nâng cao chất lượng và khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam thông qua việc gắn kết nhà trường và doanh nghiệp” và “Nâng cao năng lực người làm công tác đào tạo tại doanh nghiệp”. Hai hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 50 đại biểu tới từ Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH, các sở LĐ-TB&XH, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hiệp hội ngành nghề; các cơ sở GDNN và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, lao động kỹ thuật có tay nghề  là yếu tố then chốt để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Giáo dục nghề nghiệp hướng cầu đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này, trong đó quan hệ hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp sẽ đảm bảo các hoạt động GDNN hiệu quả và đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Nắm bắt được yêu cầu này, từ năm 2015, Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” đã thí điểm mô hình đào tạo phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong các nghề Cơ điện tử, Cơ khí -cắt gọt kim loại (CNC), Điện tử công nghiệp và Kỹ thuật viên xử lý nước thải tại hai Trung tâm Chất lượng cao về đào tạo nghề là  Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LILAMA 2) và Cao đẳng kỹ nghệ II thành phố Hồ Chí Minh (HVCT). Theo mô hình này, doanh nghiệp tham gia chặt chẽ trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo, từ phát triển chương trình đến triển khai và đánh giá đào tạo.

“Điều này giúp cho sinh viên tốt nghiệp trường nghề có kiến thức, năng lực và thái độ phù hợp với  yêu cầu thực tế của doanh nghiệp,  đảm bảo nguồn cung lao động kỹ thuật cho doanh nghiệp cũng như giảm thiểu chi phí đào tạo lại”, ông Đinh Trường Việt, Trưởng Phòng Kỹ thuật và Sản xuất Công ty Ishisei Việt Nam, Đối tác đào tạo của Công ty LILAMA2 cho biết. Mô hình này cũng đã được thể chế hóa tại thông tư 29/2017/TT-LDTBXH và được đưa vào dự thảo nghị đinh hướng dẫn thi hành Luật GDNN do Bộ LĐTBXH soạn thảo và trình Chính Phủ.  

Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng và khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam thông qua việc gắn kết nhà trường và doanh nghiệp”, những kinh nghiệm và bài học từ các mô hình thí điểm này đã được các đại biểu chia sẻ và thảo luận, từ đó đưa ra những khuyến nghị cụ thể về cơ chế chính sách cũng như định hướng phát triển trong thời gian tới nhằm tăng cường hợp tác giữa lĩnh vực GDNN và khối doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng tới vai trò của cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp, yếu tố quyết định thành công trong các hoạt động đào tạo phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Tại hội thảo với chủ đề Nâng cao năng lực người làm công tác đào tạo tại doanh nghiệp, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về phương pháp, cơ chế nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đào tạo trong doanh nghiệp chất lượng cao. Qua những phiên thảo luận sôi nổi, các đại biểu đã thống nhất cách tiếp cận về hồ sơ công việc, yêu cầu năng lực tối thiểu cũng như quá trình xây dựng năng lực và cấp chứng chỉ cho cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp ở Việt Nam.

Tiến sỹ Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN nhấn mạnh: “Cần phân định rõ quyền và trách nhiệm của các bên liên quan trong các hoạt động GDNN có sự tham gia của doanh nghiệp, từ đó xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước-Nhà Doanh Nghiệp-Nhà trường”. Tiến sỹ cũng đề cập trong thời gian tới cần làm rõ các chính sách đối với giáo viên và cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp, tăng cường công tác dự báo thị trường lao động, thí điểm thành lập các hội đồng kỹ năng và xây dựng các mô hình Hợp tác công tư (PPP) trong GDNN.

Hoạt động nằm trong hợp phần “Tư vấn hệ thống dạy nghề” thuộc Chương trình hợp tác Việt-Đức “ Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), được thực hiện bởi Deutsche Gesellschaft fuer Internationale Zusammenarbeit (GIZ) phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam (MOLISA).

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook