TVET Vietnam

Quản lý xưởng hiệu quả nhằm củng cố môi trường đào tạo thực hành tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Để giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiết lập quy trình cải tiến không ngừng cho việc quản lý xưởng, từ ngày 20 đến ngày 24 tháng 8 năm 2018, hội thảo về quản lý xưởng tổ chức tại trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Nha Trang đã được tổ chức với sự tham gia của các giáo viên và cán bộ quản lý đến từ 10 trường  cao đằng được  hỗ trợ bởi Chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Các đại biểu tham dự không chỉ tìm hiểu về các khái niệm khác nhau, như khái niệm 5S và xưởng 3 cấp độ mà còn học cách áp dụng các khái niệm này tại môi trường thực tế. Giảng viên của khóa đào tạo là ông Ralf Hill và ông Bạch Hưng Trường cùng với 3 cán bộ nhân rộng từ Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi Đồng Nai (VCMI) và Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA2. Các chuyên gia phát triển,  ông Claus Bader, ông Michael Stark và ông Peter Pirschle đã hỗ trợ các đại biểu xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, giúp họ triển khai cải thiện xưởng một cách cụ thể.


“5S” là viết tắt của “sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng”. Đây là một công cụ đơn giản nhưng hiệu quả để sắp xếp nơi làm việc một cách khoa học, nhằm cải thiện năng suất và môi trường làm việc. Để hiểu rõ hơn về lý thuyết này, các đại biểu đã đến thăm xưởng  điện tử và cơ khí của trường Cao đẳng Nha Trang và trình bày các giải pháp để cải thiện xưởng, dựa trên các nội dung lý thuyết công cụ 5S.

Vào ngày thứ ba của khóa đào tạo, các đại biểu đã được giới thiệu mô hình xưởng 3 cấp độ. Mô hình này khuyến khích cách tổ chức xưởng theo 3 cấp học: từ việc có được các kỹ năng chung,  tích lũy năng lực nghề nghiệp cụ thể để áp dụng các kỹ năng đã học vào công việc thực tế. Ông Ralf Hill nhấn mạnh: “Thiết lập xưởng theo mô hình 3 lớp không hề tốn kém. Chúng ta chỉ cần tổ chức lại các công cụ và máy móc hiện có để người học có thể thực hành với độ phức tạp ngày càng tăng tương ứng với các cấp độ học tập ”.

Vào cuối khóa đào tạo, các đại biểu đã chia nhóm theo trường  để lên kế hoạch hành động cụ thể nhằm cải thiện chất lượng xưởng. Các bản kế hoạch đã được trình bày cho quản lý của mỗi trường để đảm bảo rằng các đề xuất cải thiện đã được lên kế hoạch và nhận được sự hỗ trợ bởi quản lý của mỗi trường. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, thay mặt quản lý của các trường tham gia đánh giá cao khóa đào tạo: “Chúng tôi sẽ thực hiện các bước kế hoạch để cải tiến quản lý xưởng và chúng tôi cũng sẽ thường xuyên trao đổi để hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình cải thiện xưởng tại trường”. Một hội thảo tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối năm để đánh giá những thay đổi và duy trì tính hiệu quả, sạch sẽ, gọn gàng và an toàn của xưởng.

Hoạt động nằm trong hợp phần “Hỗ trợ các Trung tâm xuất sắc cho Đào tạo nghề” như là một phần của chương trình cải cách Việt Nam – Đức Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), được thực hiện bởi Deutsche Gesellschaft fuer Internationale Zusammenarbeit (GIZ) phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam (MOLISA).

TIN TỨC KHÁC