TVET Vietnam

Phạm vi hoạt động cơ sở GDNN – Kinh nghiệm CHLB Đức

Hội thảo trên được tổ chức vào ngày 2.11.2017 tại Hà Nội với mục tiêu rút ra khuyến nghị thực tiễn từ kinh nghiệm của CHLB Đức cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Nam khi phải giải quyết những thách thức liên quan đến tự chủ về tổ chức thực hiện, nhân sự và tài chính. Hội thảo do 2 cơ quan đồng thực hiện là Tổng cục GDNN (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thuộc khuôn khổ “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”. Ts. Trương Anh Dũng – Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN đã nói trong bài phát biểu khai mạc “để đổi mới và cải thiện hệ thống GDNN, tự chủ được xem là một giải pháp đột phá. Mục tiêu của chính phủ Việt Nam cũng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và đẩy mạnh nâng cao tính hiệu quả”.

Bên cạnh việc đồng tình quan điểm rằng các cơ sở GDNN cần phấn đấu tự chủ hoàn toàn về tài chính, “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” khuyến nghị mạnh mẽ rằng các cơ sở đào tạo cần có sự linh hoạt nhất định trong việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp việc làm trên cơ sở hợp tác với khối doanh nghiệp. Ts. Horst Sommer, Giám đốc Chương trình nhấn mạnh trong bài phát biểu của ông rằng “để có thể theo đuổi con đường mới đầy thách thức này, các cơ sở GDNN cần được trao “nhiều quyền hơn” và “nhiều tự do hơn”. Ông cũng phân tích: Tự chủ là một thành tố của hệ thống GDNN. Chúng ta nên hiểu khi kích hoạt một thành tố này sẽ giúp cả hệ thống chuyển mình. Vì vậy, các vấn đề vai trò và trách nhiệm, sự tự do và phạm vi hoạt động, đảm bảo cân bằng giữa việc đưa ra quy định và để tự do hoạt động là những vấn đề cần đưa ra bàn bạc trong hội thảo.

Tiếp theo phần trình bày của bà Khương Thị Nhàn, Phó Vụ trưởng, Phụ trách Ban quản lý dự án GDNN vốn Chương trình mục tiêu về định hướng tự chủ đối với cơ sở GDNN Việt Nam, các chuyên gia Đức Tilo Jänsch và Eicke Beckmann đã chia sẻ phân tích kinh nghiệm hết sức cụ thể, thực tiễn về cách vận hành và quản lý tài chính ở các cơ sở Đào tạo nghề của Đức.

Tuy không thể sao chép dập khuôn hệ thống của Đức, từ đây có thể rút ra các bài học. Các đại biểu đã tận dụng cơ hội hội thảo và thảo luận sôi nổi với các chuyên gia Đức. Qua đó, các vấn đề trong thực tiễn như làm sao để khảo sát hiệu quả nhu cầu khối doanh nghiệp, các cách xây dựng khóa đào tạo đáp ứng nhu cầu cụ thể, bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên và hướng dẫn viên trong doanh nghiệp, vấn đề quản lý chất lượng đã được đề cập và trao đổi kĩ lưỡng.

Các đại biểu cũng thống nhất cao rằng tự chủ tài chính là vấn đề thách thức nhất. Các chuyên gia Đức nhấn mạnh rằng ở Đức thì Đào tạo nghề được cả khối doanh nghiệp và nhà nước tài trợ, ví dụ năm 2016, chính phủ Đức cấp 7,7 tỉ Euro cho các cơ sở Đào tạo nghề. Ông Ngô Xuân Thủy, hiệu trưởng Cao đẳng Kĩ thuật Công nghệ Quy Nhơn, một đơn vị hiện đang triển khai thí điểm đổi mới cơ chế quản lý vận hành khẳng định “vấn đề tự chủ không thể riêng mình cơ sở GDNN đảm nhận và chỉ bằng nguồn thu từ học phí. Hỗ trợ, đặc biệt hỗ trợ về tài chính là cần có từ chính phủ.”

Ts. Trương Anh Dũng xác nhận rằng chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các cơ sở GDNN trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ. “Mặc dù vấn đề tự chủ cần thực hiện có lộ trình và tự chủ hoàn toàn là điều không khả thi, thì sự tự do các cơ sở GDNN đã có ở nhiều phương diện sẽ làm tăng tính tự chịu trách nhiệm, từ đó giúp giảm sự phụ thuộc vào tài chính nhà nước. Trong khi những bài học và kinh nghiệm rút ra từ hội thảo hôm nay sẽ đóng góp vào việc dự thảo chính sách tốt hơn, thì ở cấp cơ sở, các trường cũng cần xem xét áp dụng và thực hiện những biện pháp ban đầu”, ông đề nghị khi kết luận hội thảo./.

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook