TVET Vietnam

Nỗ lực chung giúp các cơ sở GDNN trở thành môi trường học tập và đào tạo xanh

“Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh của Việt Nam đã khẳng định giáo dục nghề nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong phát triển bền vững bằng cách xây dựng  lực lượng lao động đáp ứng tốt các yêu cầu một nền kinh tế xanh”, TS Phạm Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát biểu tại Hội thảo Tập huấn “Xanh hóa Cơ sở sở Giáo dục Nghề nghiệp”. Hội thảo được tổ chức vào ngày 5-6 tháng 7 tại Hà Nội và ngày 10-11 tháng 7 năm 2018 tại thành phố Hồ Chí Minh, thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ Tổng cục GDNN, khối doanh nghiệp và các cơ sở GDNN trên toàn quốc. Thông qua các nội dung tập huấn, bài tập nhóm và các phiên thảo luận chuyên sâu, nhiều bài học kinh nghiệm và đề xuất đã được rút ra. Kết thúc hai đợt hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những biện pháp thực tiễn giúp các cơ sở GDNN mình công tác trở thành môi trường học tập và đào tạo xanh.

Tại hội thảo, các đại biểu đều nhất trí rằng một mặt, xanh hóa đào tạo nghề mang lại nhiều lợi ích cho cả nền kinh tế và các cơ sở GDNN; mặt khác tiến trình này cũng đem đến nhiều thách thức cho các cơ sở GDNN. Một số thách thức điển hình là việc thiếu quy định và hướng dẫn cụ thể về xanh hóa đào tạo nghề, kinh phí đầu tư phát triển công nghệ xanh còn hạn chế, nhận thức và khả năng của các cán bộ và học viên nghề trong việc lồng ghép các yếu tố xanh vào các hoạt động đào tạo còn chưa cao.

Hội thảo là cơ hội cho các đại biểu ở cấp hệ thống và tại các cơ sở GDNN thảo luận giải pháp cho những thách thức của tiến trình xanh hóa, cũng như chia sẻ những sáng kiến xanh trong lĩnh vực GDNN. Các đại biểu đều đồng ý rằng, bên cạnh việc cung cấp những ngành nghề xanh, kỹ năng xanh để thúc đẩy nền kinh tế xanh, các cơ sở GDNN cũng cần trở thành hình mẫu thân thiện với sinh thái, từ đó nâng cao nhận thức cho các học viên, cán bộ giảng dạy và quản lý cũng như cộng đồng. Điều này có thể được thực hiện với những phương thức đơn giản như sử dụng tiết kiệm điện và tài nguyên tại cơ sở, thành lập các câu lạc bộ xanh, tổ chức các cuộc thi và chiến dịch truyền thông. Những phương tiện kỹ thuật số và truyền thông mạng xã hội về các sáng kiến xanh được triển khai tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp là những ví dụ khác để thúc đẩy xanh hóa cơ sở GDNN. Các đại biểu cũng thảo luận về việc phát triển những khóa học trực tuyến và những ứng dụng điện thoại thông minh về nhận thức và kỹ năng bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả.

Ở cấp hệ thống, các đại biểu khuyến nghị nên có những quy định cụ thể về xanh hóa cơ sở GDNN cũng như những chính sách khuyến khích tiến trình này. “Xanh hóa GDNN vẫn còn là một khái niệm mới. Do vậy, cần phát triển một bộ tiêu chuẩn để các cơ sở GDNN hiểu rõ như thế nào là một cơ sở xanh, từ đó tự đánh giá và xây dựng mục tiêu và kế hoạch phù hợp”, ông Nguyễn Văn Huy, đại diện từ trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội đề xuất.

“Quá trình xanh hóa phải được tiếp cận một cách toàn diện và hệ thống, với sự phối hợp của toàn xã hội, trong đó khối doanh nghiệp – động lực để phát triển nền kinh tế xanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng”, TS Phan Chính Thức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam (VAVET-SOW) phát biểu kết thúc hội thảo tại Hà Nội. Các ý kiến khuyến nghị từ cả hai đợt hội thảo sẽ được tổng hợp vàchia sẻ trên trang web của Tổng cục GDNN và được gửi đến các cơ sở GDNN tham khảo.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Hợp phần “Tư vấn hệ thống đào tạo nghề”, thuộc chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), và do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện.

TIN TỨC KHÁC