TVET Vietnam

Khi người khuyết tật chọn học nghề

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những sự thay đổi mạnh mẽ trong thị trường lao động, cho ra đời hàng loạt ngành nghề chưa từng có trong lịch sử. Đại dịch Covid-19 cũng tạo ra tác động cộng hưởng đẩy nhanh những thay đổi này, đưa người lao động không khuyết tật và người lao động khuyết tật đứng giữa 2 con đường: hoặc thích ứng để phát triển, hoặc bị bỏ lại phía sau.

Khi truyền thống không phải lối đi duy nhất

Trong bối cảnh mới, bên cạnh những nghề luôn được quan tâm như bác sĩ, giáo viên, quản trị kinh doanh, quản trị nhà hàng khách sạn, thì các công việc liên quan đến Internet, thiết bị công nghệ và mạng xã hội ngày càng được thế hệ Gen Z quan tâm. Các bạn trẻ có xu hướng theo đuổi những công việc đề cao sự tự do, không bị áp đặt trong khuôn mẫu hay gò bó thời gian 8 tiếng trong một không gian, mỗi ngày. Trên thực tế, loạt nghề nghiệp mới như Streamer, YouTuber, Fashionista, Content Creator xuất hiện và mở ra một kỷ nguyên mới trong việc định hướng việc làm. Đặc điểm chung của các nghề này đều đòi hỏi sự sáng tạo và nhạy bén trong việc nắm bắt “xu hướng”, tìm ra những hướng đi mới của xã hội và khai thác theo cá tính riêng của mình. Nhờ công nghệ, con người trở nên năng động, sáng tạo và dễ dàng kết nối dù là ngồi cạnh nhau hay cách xa nửa vòng trái đất.

Có thể thấy, thị trường lao động Việt Nam đang có sự chuyển dịch giữa các ngành nghề và do đó sẽ có những tiêu chuẩn năng lực mới cho từng ngành nghề. Theo TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ với báo Vietnamnet, ở phạm vi toàn cầu, những nghiên cứu gần đây cho thấy, trong 5 năm tới, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau; 84% người sử dụng lao động sẽ chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc. Trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin (CNTT), robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của họ. Đào tạo nhân lực cần nhấn mạnh kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Để chọn “đúng” nghề nghiệp, mỗi chúng ta cần vượt qua những rào cản định hướng nghề nghiệp của gia đình và xã hội, không chỉ nghe theo ý kiến số đông, ý kiến của người khác mà phải nhìn lại bản thân mình. Không có gì hiệu quả hơn việc tự mình trải nghiệm và khám phá. Chung quy lại, nghề nghiệp mơ ước sẽ là công việc ta thích làm, có khả năng làm tốt nó, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội. Bạn có thể thích chơi game điện tử, bạn chơi khá – giỏi, nhưng không phải bất cứ ai cũng đủ duyên để trở thành game thủ. Mặt khác, có những nghề nghiệp có thể tạo ra rất nhiều tiền tài nhưng là những đồng tiền bất lương, quy phạm pháp luật và gây hại cho xã hội.


Hình ảnh: Mô hình IKIGAI giúp mỗi người tìm ra mục đích để sống và theo đuổi trong cuộc đời.

Bốn năm đại học luôn là mẫu số chung mà xã hội nhìn nhận cho công thức của thành công. Tuy nhiên, thực tế luôn mang lại những bất ngờ, những lối đi “riêng” và tạo nên những con người thành công và hạnh phúc, theo định nghĩa của riêng họ. Thay vì lựa chọn đại học chính quy, Học liên thông, từ xa hay vừa học vừa làm… là các lối đi khả dĩ khác mà sinh viên có thể lựa chọn để nâng cao trình độ bản thân, trở thành những lao động lành nghề mà xã hội đang kiếm tìm. Lựa chọn học nghề cũng là một lựa chọn hấp dẫn để trở thành những người lao động lành nghề mà xã hội đang thiếu trầm trọng trước nhu cầu công nghiệp hóa đất nước ngày càng cấp bách. Với lợi thế được đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và chất lượng đào tạo từ các nhà đầu tư nước ngoài và quan tâm đặc biệt từ chính quyền, nhiều học viên được nhà tuyển dụng “đặt hàng” ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường và được trao nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn sau khi tốt nghiệp.

Cơ hội rộng mở khi học nghề

Theo Luật Người khuyết tật 2010 và Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của chính phủ, người khuyết tật nhận được nhiều chế độ trong giáo dục và học nghề, như: học viên khuyết tật có khó khăn về kinh tế sẽ được miễn học phí, hỗ trợ chi phí tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống cơ sở giáo dục quốc dân; dựa theo hoàn cảnh gia đình, học viên khuyết tật được hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập và chính sách học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở theo quy định của chính phủ trong từng học kỳ, cấp 10 tháng/năm học; bên cạnh các chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng và chăm sóc sức khỏe. 

Đi cùng với các Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhiều chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp đang được triển khai mạnh mẽ trên toàn quốc. Trong đó, cơ quan Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (DVET), thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA) đang cùng thực hiện Chương trình Hợp tác kỹ thuật Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam II” (Chương trình TVET) nhằm mục tiêu cải thiện giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam để phù hợp với thế giới việc làm đang thay đổi và thúc đẩy cơ hội việc làm cho tất cả mọi người, trong đó có người khuyết tật.

Trong khuôn khổ Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam” (Chương trình TVET), việc hòa nhập người khuyết tật (NKT) vào Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang được đẩy mạnh. Chương trình triển khai nhiều hoạt động nâng cao hình ảnh của GDNN và thúc đẩy vấn đề hòa nhập trong GDNN. Những ngày Nữ sinh, Nam sinh được tổ chức tại các cơ sở GDNN; nhiều học bổng được trao cho người khuyết tật và học viên nữ theo học những ngành kỹ thuật. Chương trình cũng hỗ trợ các cuộc thi kỹ năng nghề và hỗ trợ Việt Nam tham dự kỳ thi tay nghề Thế giới (WorldSkills).  

Những sự kiện quảng bá hình ảnh tiếp cận 24,000 bạn trẻ và phụ huynh, đóng góp vào việc nâng cao nhận thức về GDNN ở Việt Nam. Các chiến dịch và hoạt động lồng ghép giới cũng giúp tăng số lượng nữ sinh trong các ngành nghề được hỗ trợ từ 2.1% năm 2018 lên 4.4% năm 2020. Trong năm 2021, Chương trình TVET đã thành công trong việc thu hút 02 học viên khuyết tật theo học ngành Cơ điện tử tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA2 và Công nghệ Điện tử và Năng lượng tòa nhà tại Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi Đồng Nai, với tổng giá trị học bổng cho năm học 2021 – 2023 lên tới 250 triệu VND.

 Cố tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela từng nói: “Giáo dục là vũ khí quyền năng nhất mà, bạn có thể dùng để thay đổi thế giới”. Với giáo dục, con người nói chung và người khuyết tật nói riêng, đều có khả năng thay đổi môi trường sống, đóng góp giá trị tốt đẹp cho xã hội và truyền ngọn lửa lạc quan tới mọi người. Giá trị cốt lõi của giáo dục, xét cho cùng, là giúp ta trở thành người tốt đẹp hơn so với hôm qua, là đóng góp cho “một cái gì đó có ý nghĩa trong tương lai. Một cái gì đó lớn hơn lợi ích của bản thân mình” tới xã hội, cho cộng đồng.

Các bạn học sinh, gia đình, thầy cô hãy đầu tư thời gian và tiền bạc cho ngành nghề và phương pháp giáo dục phù hợp nhất. Nếu các bạn còn phân vân, hãy tìm hiểu các hoạt động hướng nghiệp, chính sách bình đẳng, đa dạng và hòa nhập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên website tvet-vietnam.org/ fanpage Facebook TVET Viet Nam.

Bài này được đăng trong khuôn khổ chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề ở Việt Nam”, do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, tổ chức GIZ cùng với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp thực hiện. 

Share on print
Share on email
Share on facebook