Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 2019
Hội thảo tập huấn về xanh hóa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và triển khai mô-đun cơ bản “Bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả” vào các chương trình đào tạo đã được tổ chức tại trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, thành phố Hồ Chí Minh cho lãnh đạo 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 4 và 5 tháng 6 năm 2019. Mô-đun này gồm các kỹ năng xanh cơ bản cần trong mọi vị trí việc làm, mọi nghề nghiệp khác nhau, được xây dựng theo yêu cầu của khối doanh nghiệp. Mô-đun gồm 3 bài học độc lập là sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả, quản lý chất thải và xử lý chất độc hại đúng cách và thân thiện với môi trường.
Nối tiếp hội thảo dành cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là một hội thảo ba ngày dành cho giáo viên về triển khai mô-đun cơ bản “Bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả” cho 20 giáo viên từ 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp kể trên. Giảng viên của cả 02 hội thảo là các cán bộ nhân rộng của trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (VCMI)- trường cao đẳng được Đức hỗ trợ xây dựng thành Trung tâm Xuất sắc về Đào tạo nghề Xanh trong tương lai. Các giảng viên của hai khóa tập huấn cũng chinh là những người đã tham gia xây dựng mô-đun cơ bản và đã được đào tạo để để tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nghiệp khác trong việc triển khai mô-đun.
Hai cuộc hội thảo được thực hiện theo thỏa thuận giữa Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”-Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) nhằm hỗ trợ việc lồng ghép các yếu tố xanh vào chương trình đào tạo và hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng các yêu cầu về tăng trưởng xanh và nền kinh tế xanh của đô thị lớn nhất Việt Nam này. Ông Ralf Hill, Chuyên gia tích hợp của GIZ, trong bài phát biểu khai mạc đã khẳng định“Về dài hạn, các kỹ năng xanh cơ bản trong mô-đun này sẽ giúp đạt được sự thay đổi về cách nghĩ, cách nhìn nhận của học viên, giáo viên, người lao động và cộng đồng về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả. Chỉ với sự thay đổi từ cách nghĩ, cách nhìn nhận như vậy, chúng ta mới đạt được sự thay đổi về thái độ và hành vi, là cơ sở chính cho tăng trưởng xanh”.
Sau hai hội thảo, 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia tập huấn sẽ có kế hoạch cụ thể để thực hiện quá trình xanh hóa cơ sở giáo dục nghề nghiệp của mình, trong đó có việc triển khai mô-đun cơ bản. Các trường sẽ báo cáo kết quả triển khai thí điểm mô-đun cơ bản cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó, Sở Lao đông-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng báo cáo tổng hợp cho Bộ Lao đông-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (DVET), Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, là cơ sở để đánh giá tính khả thi về việc nhân rộng mô-đun tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn thành phố. Trao đổi với lãnh đạo của 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia hội thảo, ông Nguyễn Văn Lâm- Phó Giám đốc Sở Lao đông-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Nếu chúng ta muốn phát triển bền vững, xanh hóa giáo dục nghề nghiệp không còn là một lựa chọn, mà là bắt buộc”.
Mô-đun cơ bản về “Bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả” là kết quả của một năm làm việc của nhóm 10 giáo viên từ VCMI với sự hợp tác chặt chẽ của khối doanh nghiệp dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia của GIZ. Mô-đun cơ bản là một bộ tài liệu trọn gói với chương trình, giáo án mẫu, đề cương bài giảng, slide trình chiếu, các biểu mẫu, bài tập và các câu hỏi trắc nghiệm đánh giá kết thúc bài học.
Hoạt động này được thực hiện trong hợp phần “Hỗ trợ các Trung tâm Xuất sắc về đào tạo nghề, một phần của “Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” giữa Việt Nam và CHLB Đức. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức (BMZ), thực hiện bởi Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam (MoLISA).