TVET Vietnam

Nâng cao năng lực thông qua đào tạo ngắn hạn: Giải pháp hiệu quả cho vấn đề nguồn nhân lực kỹ thuật trong ngành thoát nước và xử lý nước thải

Ngày 21/11/2018, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam phối hợp với Chương trình hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” (TVET Việt Nam) tổ chức hội thảo “Đánh giá kết quả đào tạo ngắn hạn và bồi dưỡng giảng viên cho kỹ thuật viên các doanh nghiệp thoát nước và XLNT” sau hai năm xây dựng và đào tạo thí điểm. Đến tham dự hội thảo, ngoài đại diện của Hội CTNVN và Chương trình TVET Việt Nam, còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp thoát nước và XLNT cùng các chuyên gia từ Đức và Việt Nam, những người đã đồng hành với Hội CTNVN trong công tác chuẩn hoá giảng viên, biên soạn tài liệu và truyền đạt các phương pháp giảng dạy.

Nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam đã trở thành đầu mối trung tâm cung cấp các chương trình đào tạo ngắn hạn trong lĩnh vực XLNT, với đội ngũ giảng viên chuẩn hóa và các chương trình đào tạo ngắn hạn theo chuẩn của Đức được điều chỉnh phù hợp với thực tế Việt Nam. Từ năm 2016-2018, Hội đã tổ chức 10 khoá bồi dưỡng ngắn hạn cho 278 kỹ thuật viên của đơn vị thoát nước và XLNT tại Bình Dương, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Huế, Bắc Ninh và Cần Thơ. Các khoá đào tạo đều nhận được các phản hồi tích cực của học viên về mọi mặt, từ giảng viên, nội dung, phương pháp giảng dạy, cho đến thời lượng và công tác tổ chức.

Với sự hỗ trợ của Chương trình TVET, từ năm 2014 đến nay có 31 giáo viên đã vượt qua kỳ thi sát hạch năng lực theo tiêu chuẩn của CHLB Đức, trong đó 29 người được Hội CTNVN cấp chứng nhận trở thành giảng viên của Hội. Ngoài ra, Hội còn cấp chứng nhận cho 10 giám khảo đã được Hợp phần 3 đào tạo là giám khảo nghề ‘Kỹ thuật thoát nước và XLNT’ của Hội. Đội ngũ giảng viên và giám khảo đạt chuẩn Đức này hiện đang đóng vai trò nòng cốt trong công tác đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng kỹ thuật của các doanh nghiệp XLNT.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nhìn lại các hoạt động đào tạo trong suốt hai năm qua, cũng như đưa ra các góp ý, và đề xuất cho một số chương trình đào tạo như xử lý bùn, quản lý năng lượng để Hội CTNVN xem xét và mở rộng chương trình đào tạo. Các doanh nghiệp cũng cam kết sẽ tiếp tục đầu tư và dành sự quan tâm thích đáng hơn đối cho công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên, kỹ thuật viên – vì họ là hạt nhân, là nền tảng và sức mạnh của một doanh nghiệp.

 

Với 41 nhà máy nước thải hoạt động với tổng công suất 950.000 m3/ngày đêm và 28 nhà máy đang trong giai đoạn thiết kế và xây dựng, nhu cầu về nguồn nhân lực kỹ thuật của ngành thoát nước và xử lý nước thải (XLNT) đang ngày càng trở nên cấp thiết. Nhu cầu này sẽ trở nên bức bách hơn khi các doanh nghiệp đang thực hiện cổ phần hoá, tái cấu trúc, đầu tư nâng cấp dây chuyền kỹ thuật cũng như áp dụng các công nghệ mới, điều này đòi hỏi lực lượng kỹ thuật của ngành cần phải liên tục được bồi dưỡng nâng cao trình độ và nghiệp vụ để có thể đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn công việc và doanh nghiệp sử dụng lao động.

“Những kết quả tích cực trong hai năm vừa qua bước đầu đang mang lại sự tin tưởng và quan tâm nhiều hơn của các doanh nghiệp trong ngành, tạo tiền đề và điều kiện tốt để Hội tiếp tục mở rộng và triển khai thêm các khoá học trong thời gian tới”, Bà Phan Hoàng Mai, Trưởng nhóm hợp phần 3, Chương trình TVET chia sẻ.

Hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ hợp phần “Đào tạo nghề cho lực lượng lao động có tay nghề trong lĩnh vực xử lý nước thải” thuộc Chương trình hợp tác phát triển Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”, được thực thi bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) dưới sự ủy nhiệm của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook