TVET Vietnam

Một bước tiến quan trọng cho Giảng viên Cơ khí Xây dựng nâng cao kỹ năng gia công kim loại

Khóa đào tạo “Gia công và Chế tạo Thép tấm và Thép định hình bằng Phương pháp Uốn cong” cho 09 Giảng viên Cơ khí trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2, được tổ chức từ ngày 06 – 10/07/2020 ngay chính tại trường LILAMA 2. Đây được xem là một trong những khóa đào tạo định hướng dự án (sản phẩm) được thực hiện bởi giảng viên nhân rộng của LILAMA 2 – Thầy Trần Hữu Phước – người truyền đạt kiến thức và kỹ năng cơ bản về gia công kim loại tấm và cách sử dụng các loại máy khác nhau, như máy cưa, máy uốn kim loại tấm và máy hàn điểm.

Mục đích của khóa đào tạo là khuyến khích học viên tham dự phân tích các bản vẽ kỹ thuật một cách chính xác, đặc biệt là các bản vẽ liên quan đến các quy trình uốn, lên kế hoạch và gia công các chi tiết uốn cong phức tạp và sử dụng các kỹ thuật nối ghép kim loại khi thực hiện các bước gia công. Trong suốt khóa đào tạo, các học viên có cơ hội thể hiện năng lực thông qua quá trình làm việc độc lập và cùng hợp tác với các thành viên trong nhóm để gia công, hoàn thiện và tạo ra các sản phẩm cuối cùng, chẳng hạn như các hộp đựng đinh ốc và dụng cụ thu gom rác.

Thầy Trần Hữu Phước phát biểu: “Tôi nhận thấy hai học viên nữ rất tích cực tham gia từng quy trình cắt thép tấm, dùng các thiết bị đo và máy uốn, thậm chí làm tốt hơn cả học viên nam”. Thầy bổ sung: “Các học viên trẻ cũng làm rất tốt, và học viên có kinh nghiệm có thể chia sẻ kiến thức và kỹ năng cho các đồng nghiệp trẻ hơn. Tất cả đều cố gắng đo chuẩn và chính xác để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh trong suốt khóa học”.

Cô Nguyễn Hoàng Vân chia sẻ: “Tôi thường dạy lý thuyết trên lớp, nhưng phải thừa nhận rằng khóa học này rất hữu ích cho cả phần lý thuyết và thực hành trong các bài giảng hàng ngày của minh. Giảng viên rất nhiệt tình và mọi người hỗ trợ nhau rất tốt”.

Khóa đào tạo này được tổ chức trong khuôn khổ Hợp phần “Hỗ trợ các Trung tâm Xuất sắc về Đào tạo nghề”, thuộc Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), đồng thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam (MoLISA).

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook