TVET Vietnam

Linh hoạt và hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp là cần thiết để bắt kịp sự thay đổi công nghệ của ngành công nghiệp 4.0

Hội thảo “Tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đến Công tác Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở Việt Nam”, do Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (DVET) thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) tổ chức, hỗ trợ bởi Hợp tác Đức – Việt – Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam, đã diễn ra tại Huế vào ngày 13 tháng 12 năm 2017. Chủ trì hội thảo gồm TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương và TS. Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Hội thảo tập trung vào các khuyến nghị nhằm điều chỉnh GDNN để bắt kịp sự phát triển công nghệ của ngành công nghiệp 4.0.

GS. Phạm Đỗ Nhật Tiến, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam (VPDF), giải thích Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế và khía cạnh của cuộc sống, đòi hỏi một chiến lược dài hạn cho toàn ngành giáo dục với một kế hoạch hành động cụ thể. TS. Mai Hữu Tỉnh, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (AVNUC) nhấn mạnh rằng, để theo kịp những thay đổi của Công nghiệp 4.0, chiến lược cần tập trung vào định hướng nhu cầu đào tạo và hợp tác giữa giáo dục đại học và GDNN. Ông cũng nêu tầm quan trọng của việc đầu tư chủ yếu vào đào tạo thực tế cho đội ngũ giáo viên thay vì cơ sở vật chất. GS. Phạm Huy Dũng, Đại học Thăng Long (TLU) khẳng định cần kết hợp lý thuyết và thực tiễn trong GDNN.

Bà Lisa-Marie Kreibich, Cố vấn Kỹ thuật và ông Michael Stark, Cố vấn Phát triển, Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam, trình bày về những tác động của Công nghiệp 4.0 đến GDNN ở Đức, đem đến một góc nhìn khác trong thảo luận. Ông Michael Stark giải thích rằng các quy trình công nghiệp 4.0 sẽ được thực hiện từng bước, bắt đầu từ kết nối số và kết quả là các hệ thống kết nối toàn cầu thành một chuỗi giá trị. Bà Lisa-Marie Kreibich nhấn mạnh: “Các cơ sở GDNN cần có khả năng đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt để điều chỉnh thường xuyên các tiêu chuẩn nghề nghiệp và các chương trình đào tạo.” Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần giảm bớt việc can thiệp và kiểm soát quá mức các cơ sở GDNN. Hơn nữa, các nhà tuyển dụng phải có tiếng nói trong việc xác định các tiêu chuẩn nghề nghiệp và chương trình đào tạo, cũng như tham gia vào việc thiết kế quá trình đánh giá và chứng nhận. Sự hợp tác này giúp các chương trình đào tạo gắn với việc làm bắt kịp những thay đổi công nghệ mới nhất và phản ánh đúng nhu cầu của khối doanh nghiệp. Ngoài ra, sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở GDNN và các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo giúp các giai đoạn đào tạo thực tế tại công ty có định hướng rõ ràng; từ đó tạo cơ hội cho các học viên sử dụng các công nghệ mới nhất để phát triển các kỹ năng nghề trong môi trường làm việc thực tế.

T.S Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp (NIVET) chia sẻ rằng chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị để đối phó với những thách thức của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Các cơ sở GDNN sẽ có quyền tự chủ, cho phép họ đáp ứng tốt hơn nhu cầu thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế bằng cách xây dựng các chương trình đào tạo độc lập, phối hợp với doanh nghiệp địa phương.

TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương kết luận rằng các kiến nghị đề xuất trong hội thảo sẽ được trình lên Bộ Chính trị và Bộ LĐTBXH để lồng ghép vào các chủ trương, chính sách trong tương lai. Ông khuyến khích DVET ưu tiên tái cơ cấu mạng lưới các cơ sở GDNN và phân tích tất cả các kế hoạch đào tạo hiện tại để đưa ra các khuyến nghị cho việc điều chỉnh.

Hoạt động này được xây dựng trên sự hợp tác thành công của Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm gần đây, bao gồm cuộc thảo luận giữa TS. Sommer và ông Đinh Thế Huỳnh, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tại cuộc đối thoại giữa Đảng Dân chủ Xã hội Đức và Đảng Cộng sản Việt Nam và một số hội thảo hợp tác với Ban Tuyên giáo Trung ương và Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội.

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook