TVET Vietnam

Khóa đào tạo về phương pháp “Dạy học trên nền tảng số” tại Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận (NTVC)

Thực hiện chuỗi các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho cán bộ và giáo viên ở các trường đối tác, Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (Chương trình TVET) tiếp tục mời Tiến sĩ Lê Phương Trường từ Trường Đại học Lạc Hồng, tỉnh Đồng Nai hỗ trợ triển khai Khóa đào tạo về phương pháp “Dạy học trên nền tảng số” cho gần 35 cán bộ và giáo viên của NTVC từ ngày 11-13/10/2023.

 “Lãnh đạo trường CĐN Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh phong trào hưởng ứng, sáng tạo và ứng dụng chuyển đổi số trong giảng dạy, nghiên cứu và học tập trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, sinh viên của trường trong bối cảnh mới, cùng với cả nước thực hiện mục tiêu trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Từ đó, tạo ra những giá trị thiết thực, tiện ích cho mọi đối tượng”. Thầy Nguyễn Phan Anh Quốc – Hiệu trưởng NTVC cho biết tại phiên khai mạc khóa đào tạo.

Khóa học bao gồm những nội dung chính như sau:

Ngày 1: Khung năng lực số; Phương pháp sư phạm số; Thiết kế dạy học số.

Ở phiên này, giáo viên NTVC được biết đến các chuyên đề (i) Tài sản số và Tài nguyên số (ii) Khung năng lực số và phương pháp sư phạm số; (iii) Các bước thiết kế dạy học số. Qua đó, giáo viên NTVC biết đến các phương pháp lưu trữ, bảo lưu dữ liệu thông tin giảng dạy một cách tự chủ, hay các lĩnh vực quản lý công việc giảng dạy, học tập của giáo viên, sinh viên trên hệ thống LMS của trường.

Bên cạnh đó, giáo viên NTVC còn được giới thiệu một số khung năng lực số tại một số nước Châu Âu, Anh, Chi Lê. Ở đó, người học được trao quyền thông qua sự thúc đẩy hợp tác giữa người học và người dạy, cá nhân hóa người học đang là xu hướng phát triển. Do đó, cần có sự hỗ trợ nâng cao năng lực số cho người học để giúp họ có phương pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến thông tin, giao tiếp và hợp tác trên nền tảng số, tạo nội dung số, an ninh, giải quyết trên nền tảng số…

Ngoài ra, giáo viên còn được hướng dẫn (i) tích hợp phương pháp sư phạm số trong hoạt động dạy của cá nhân giáo viên, (ii) mô hình thiết kế ngược và các công cụ số. Trong đó, có ứng dụng phần mềm Storyline trong thiết kế bài giảng số.

Ngày 2: Phương pháp dạy học tích cực trên nền tảng số.

Ở phiên này, giáo viên được tiếp cận với các nội dung (i) Sáng tạo nội dung số, (ii) Phương pháp dạy học tích cực trên nền tảng số, (iii) Kỹ thuật tương tác trong môi trường đào tạo trực tuyến, tích hợp. Trên nền tảng kiến thức này, giáo viên đã có thể xây dựng kế hoạch giảng dạy, thiết kế nội dung số cho khóa học trực tuyến, trực tiếp, kết hợp (blended) và tích hợp (hybrid) dựa kế hoạch đã xây dựng trước đó (ngày 01) và tích hợp bài giảng trên LMS theo mô hình lớp học đảo ngược.

Ngày 3: Ứng dụng AI trong soạn giảng và nghiên cứu.

Ở phiên này, giáo viên tiếp tục tiếp cận với nội dung Phương pháp dạy học tích cực trên nền tảng số và Ứng dụng AI trong xây dựng bài giảng. Theo đó, tất cả giáo viên đều tham gia bài thực hành theo nhóm (cùng khoa) và cá nhân về thiết kế bài giảng trên nền tảng số, đưa lên hệ thống LMS của NTVC và tiến hành thuyết trình bài thực hành cá nhân.

Đáng ghi nhận tại buổi thuyết trình bài thực hành cá nhân là một số giáo viên đã thể hiện tốt kỹ năng xây dựng bài giảng số qua việc ứng dụng nhiều tính năng của các phần mền tiên tiến, công cụ số và đưa lên hệ thống LMS một cách thuần thục. Chuyên gia đào tạo đánh giá cao về sự tiến bộ vượt bậc của một số giáo viên về kỹ năng xây dựng bài giảng sinh động, đáp ứng chuẩn đầu ra của module/môn học và có tính tương tác cao với người học, đạt được mức độ 3 (mức độ cao nhất theo chuẩn vì tạo được video tương tác với người học trong bài giảng). Đồng thời, đề xuất NTVC chọn nhân tố nổi trội để nhân rộng và phát triển các kỹ năng đã được đào tạo trong phạm vi toàn trường, góp phần vào thành công của quá trình thực hiện chuyển đổi số của trường một cách bền vững.

“Tôi cảm thấy rất tự hào về sự tiến bộ của bản thân trong tiếp thu và rèn luyện các kỹ năng ứng dụng các công cụ số, phần mềm tiên tiến cũng như tính năng của các nền tảng số khác để xây dựng một bài giảng số có có chuẩn đầu ra và cấu trúc rõ ràng; nội dung đầy đủ, phong phú và sinh động như bây giờ”. Cô Đào Thị Vui, Phó Trưởng khoa Khoa Điện – Điện tử chia sẻ.

Theo kết quả khảo sát, có 96,6 % giáo viên sẵn sàng ứng dụng các nội dung được đào tạo trong việc giảng dạy sau khi tham gia khoá đào tạo; 100% giáo viên hài lòng về nội dung, chất lượng của khóa đào tạo. Đặc biệt, có nhiều ý kiến đề xuất Chương trình TVET quan tâm tổ chức thêm những khóa đào tạo chuyên sâu hơn về xây dựng bài giảng số sát chương trình đào tạo nghề ngay trên nền tảng LMS; hướng dẫn phương pháp sử dụng AI trong thiết kế bài giảng số; đặc biệt là kỹ năng xây dựng nội dung bài giảng số cho khóa học có nội dung mô phỏng trong thời gian tới.

Share on print
Share on email
Share on facebook