Nhằm truyền đạt những kiến thức thực tế và đảm bảo rằng những sinh viên đang theo học 4 lớp thí điểm về đào tạo phối hợp tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LILAMA 2) có thể hình thành những kỹ năng cần thiết cũng như áp dụng chúng trong thực tế, những cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp đóng vai trò là điều kiện tiên quyết. Thông thường, cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp là những kỹ thuật viên có tay nghề cao và giàu kinh nghiệm, có thể đảm nhận thêm vai trò như cán bộ đào tạo trong các giai đoạn đào tạo tại doanh nghiệp của chương trình đào tạo phối hợp.
8 công ty đã cử khoảng 20 người tham gia khóa đào tạo đầu tiên dành cho cán bộ tham gia đào tạo tại doanh nghiệp nhằm chuẩn bị cho các giai đoạn đào tạo tại doanh nghiệp đối với các nghề Cắt gọt kim loại-CNC, Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp và Cơ khí xây dựng. Ngoài ra, 10 giáo viên của trường LILAMA 2 cũng đã tham gia khóa đào tạo. Khóa đào tạo được thực hiện bởi 2 chuyên gia Đức đến từ Phòng Thủ công nghiệp Potsdam (HWK Potsdam), Ông Andreas Schmidt và Ông Joachim Werner, được tổ chức tại LILAMA 2 và 2 công ty đối tác, từ 2 đến 6/ 10/ 2017.
Trong thời gian diễn ra khóa đào tạo, những người tham dự đã được làm quen với mô hình đào tạo phối hợp/ kép tại Đức như là bài học thành công quốc tế và các chương trình đào tạo của 4 nghề được hỗ trợ. Bên cạnh đó, những người tham dự cũng được giới thiệu các công cụ để lập kế hoạch, triển khai và đánh giá các giai đoạn đào tạo tại doanh nghiệp và đã có cơ hội áp dụng chúng trong thực tế. Ngoài ra, các chuyên gia Đức đã hướng dẫn một số phương pháp Dạy-Học cho các giai đoạn đào tạo tại doanh nghiệp. Những phương pháp này đã được minh họa thực tế tại các xưởng (đào tạo thực hành) của LILAMA 2 và cũng được những người tham dự thực hành áp dụng tại công ty của họ hoặc tại các xưởng của LILAMA 2.
Khóa đào tạo này được tổ chức trong khuôn khổ Lĩnh vực hoạt động “Hỗ trợ xây dựng các Trung tâm Xuất sắc về Đào tạo nghề”, một hợp phần thuộc Hợp tác Phát triển Việt-Đức “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình được thực hiện bởi Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Đức (GIZ) đại diện cho Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức.