TVET Vietnam

HỌP BAN CHỈ ĐẠO DỰ ÁN ĐÀO TẠO NGHỀ CHO XỬ LÝ NƯỚC THẢI LẦN THỨ NHẤT

Ngày 15/04/2015, tại Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc Họp Ban chỉ đạo dự án Đào tạo nghề cho Xử lý nước thải lần thứ nhất.

Tham dự cuộc họp, có sự hiện diện của các cơ quan và tổ chức trong Ban chỉ đạo dự án: Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Bộ Xây dựng, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước-Môi trường tỉnh Bình Dương, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa, Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Cần Thơ, Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam – Lĩnh vực hoạt động “Đào tạo nghề cho lĩnh vực nước thải” (Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ).

Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Đức trong lĩnh vực dạy nghề nói chung, và đặc biệt nhấn mạnh Đức là nước đầu tiên hỗ trợ dạy nghề trong lĩnh vực môi trường. PGS.TS. Dương Đức Lân bày tỏ tin tưởng Dự án “Đào tạo nghề cho xử lý nước thải” sẽ có ý nghĩa tích cực trong việc nhân rộng mô hình đào tạo nghề hợp tác với doanh nghiệp, cũng như cung cấp được nguồn nhân lực có chất lượng cho lĩnh vực nước thải trong thời gian tới.

Được triển khai từ năm 2013 đến nay, Dự án “Đào tạo nghề cho xử lý nước thải” thuộc chương trình hợp tác kỹ thuật Việt – Đức về Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam đã được Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) thiết lập, nhằm mục đích hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong đào tạo nghề định hướng nhu cầu thị trường, nhằm tăng cường lực lượng lao động có chất lượng phục vụ cho ngành thoát và xử lý nước thải.

Bà Gunda Roestel, Giám đốc công ty Thoát nước Dresden đã nêu bật sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường song hành với phát triển kinh tế. Dựa trên chỉ tiêu của Chính phủ Việt Nam đưa ra đến năm 2020, sẽ có hàng loạt nhà máy cấp nước và xử lý nước thải được xây dựng với số vốn đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng và thiết bị. Song song với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, việc xây dựng nguồn nhân lực tay nghề cao có đủ khả năng vận hành các nhà máy là rất quan trọng.

Tại cuộc họp, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, cam kết về phía nhà trường sẽ hỗ trợ hết sức để dự án thực hiện thành công, đồng thời mong muốn sẽ có sự hợp tác thực sự toàn diện và chặt chẽ với các doanh nghiệp khi thực hiện các mô đun đào tạo tại doanh nghiệp trong quá trình triển khai lớp thí điểm đào tạo nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải” sắp tới.

Tổng kết những kết quả đã đạt được, bà Phan Hoàng Mai – phụ trách Lĩnh vực hoạt động “Đào tạo nghề cho xử lý nước thải” cho biết: Dự án đã hỗ trợ trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh, Hội cấp thoát nước Việt Nam cùng các công ty thoát nước xây dựng thành công bộ tiêu chuẩn nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lí nước thải”. Trên cơ sở bộ tiêu chuẩn nghề này, dự án đã hoàn thiện chương trình đào tạo nghề „Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải“ cho hệ cao đẳng, định hướng theo tiểu chuẩn Đức và phù hợp với điều kiện tại Việt Nam. Bên cạnh đó, dự án đã tổ chức được nhiều đợt đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm cho giáo viên từ trường nghề và từ các công ty thoát nước để các giáo viên đạt năng lực yêu cầu về kiến thức cũng như nghiệp vụ sư phạm khi giảng dạy tại chương trình thí điểm.

Trong cuộc họp, các đại biểu phía doanh nghiệp đã cam kết tiếp tục tạo điều kiện để các cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng của dự án và thời gian làm việc phù hợp cho các cán bộ khi có sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp.

Các đại biểu đã thảo luận và thống nhất kế hoạch hoạt động thực hiện từ tháng 04-12/ 2015, cũng như phân công cụ thể đại diện của tổ chức, doanh nghiệp mình tham gia vào các nhóm thực hiện chương trình thí điểm, nhóm chương trình đào tạo, và nhóm thông tin liên lạc, nhằm tăng tính hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.

Kết thúc cuộc họp, các thành viên của Ban chỉ đạo dự án với ý thức sâu sắc về mục tiêu và ý nghĩa của dự án đã ký “Thỏa thuận hợp tác”, nhằm định rõ vai trò, chức năng của các đối tác tham gia dự án và cơ chế hợp tác giữa các bên. Bản “Thỏa thuận hợp tác” là cơ sở cho việc điều phối để đảm bảo hợp tác hiệu quả, thành công giữa những đối tác liên quan trong quá trình thí điểm chương trình đào tạo nghề Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải.

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook