TVET Vietnam

Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2019: Chính sách GDNN, quan hệ doanh nghiệp và chất lượng GDNN là những vấn đề then chốt

2019 đánh dấu năm năm Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đi vào cuộc sống, và ba năm GDNN hoạt động dưới sự thống nhất quản lý nhà nước của Bộ LĐBTXH. Những cơ hội và thách thức mới trong quá trình đưa GDNN đáp ứng với kỳ vọng của đất nước về một nền nhân lực có kỹ năng cao yêu cầu đội ngũ cán bộ GDNN cấp cơ sở và các cơ quan ban hành chính sách cùng phối hợp để có sự đánh giá xác thực về tình hình hiện tại, cũng như tìm ra những giải pháp mới cho tương lai.

Trong bối cảnh đó, Hội thảo giáo dục Việt Nam 2019, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phối hợp tổ chức cùng Bộ LĐTBXH với sự hỗ trợ của tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã khai mạc ngày 20.9 vừa qua tại Hà Nội. Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện cho các lĩnh vực kinh tế xã hội đa dạng, và các cơ sở giáo dục toàn quốc.

Chủ trì buổi hội thảo, Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh tới ba vấn đề nổi bật của GDNN Việt Nam: Chính sách, quy định pháp luật trong tổ chức giáo dục nghề nghiệp; chất lượng, điều kiện đào tạo giáo dục nghề nghiệp và mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. “Giải quyết được ba vấn đề này một cách hợp lý, thì chúng ta mới có thể thay đổi nhận thức của xã hội, để có sự nhìn nhận GDNN như một lựa chọn về nghề nghiệp có giá trị”.

Đại diện của các cơ sở GDNN thể hiện sự đồng nhất trong mối quan tâm về hai vấn đề chính: sự tách biệt của GDNN với hệ thống giáo dục quốc gia, và những bất cập trong chính sách thực hiện tự chủ GDNN. Sự thiếu gắn kết giữa GDNN với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học là một trong các nguyên nhân khiến việc phân luồng, tuyển sinh GDNN gặp nhiều khó khăn. Về vấn đề tự chủ, các đại biểu cho rằng sự mâu thuẫn giữa các văn bản chính sách hiện tại đang là một rào cản ngăn trở các cơ sở GDNN thực hiện quyền tự chủ một cách toàn diện. “Cứ mỗi một chính sách trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở GDNN, lại có một chính sách, quy định khác rút lại những quyền tự chủ đó” – PGS Tiến sỹ Lê Quang Minh, đồng Giám đốc Dự án Kỹ năng nghề nghiệp Việt Nam (VSEP) và Giám đốc Học viện quản lý giáo dục thuộc ĐH Quốc gia TpHCM phát biểu.

Gắn kết doanh nghiệp là chủ đề nổi bật thứ hai thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu. Đại diện Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) chia sẻ, theo một điều tra mới thực hiện tại 79 doanh nghiệp, chỉ có 12.3% số doanh nghiệp có các hoạt động hợp tác thường xuyên với cơ sở GDNN. Một lần nữa, các đại biểu đồng nhất nhấn mạnh tới nhu cầu xây dựng các văn bản chính sách hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi và các ưu đãi cho doanh nghiệp khi tham gia GDNN. Tiến sỹ Juergen Hartwig, đại diện Chương trình Việt – Đức “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” khuyến nghị chỉnh sửa dự thảo Luật Lao động để tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo tại doanh nghiệp – một thành tố cơ bản đảm bảo yếu tố thực tế, hướng cầu của mô hình liên kết đào tạo giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp.

Có lẽ câu hỏi bao trùm hội thảo là làm thế nào để nâng cao chất lượng GDNN. Tiến sỹ Trương Anh Dũng, phó Tổng cục trưởng tổng cục GDNN chia sẻ kết quả xếp hạng 115/140 của Việt Nam về chất lượng GDNN theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) như một chỉ số đáng quan ngại. Chia sẻ của TS Trương Anh Dũng nhận được nhiều đồng cảm từ cả hai phía cơ sở GDNN và khối doanh nghiệp. Đại biểu cơ sở GDNN nêu lên thực trạng nhiều nhà giáo GDNN không theo kịp những phát triển diễn ra hàng ngày tại khối doanh nghiệp, trong khi đại diện doanh nghiệp cũng khẳng định khoảng cách và độ vênh giữa kiến thức, kỹ năng của sinh viên với nhu cầu thực tế của thị trường.

Giữa bộn bề thách thức, hội thảo Giáo dục Việt Nam 2019 vẫn khép lại với với góc nhìn tích cực. Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh Hội thảo giáo dục Việt Nam 2019 đánh dấu bước khởi đầu quá trình hình thành một cộng đồng chuyên môn, nơi đại diện cơ quan cơ quan lập pháp, và những người trực tiếp tổ chức thực hiện GDNN cùng trao đổi, với niềm tin rằng các ý kiến đóng góp được ghi nhận ở cấp độ cao nhất của hệ thống chính trị quốc gia. Đó chính là bước tiến quan trọng trong hành trình nâng cao chất lượng GDNN cho toàn dân.

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook