TVET Vietnam

Hội thảo Dự án đào tạo nghề cho xử lý nước thải

Vào ggày 2/10/2014, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Hội thảo “Đào tạo nghề cho lĩnh vực thoát và xử lý nước thải – Kết quả đạt được và các bước tiếp theo”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Đức trong Dự án “Đào tạo nghề cho lĩnh vực thoát và xử lý nước thải” hợp tác với Việt Nam. Ông Cao Văn Sâm bày tỏ tin tưởng kết quả Dự án đã đạt được sẽ góp phần mang lại những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực nước thải trong thời gian tới.

Được triển khai từ năm 2013 đến nay, Dự án “Đào tạo nghề cho lĩnh vực xử lý nước thải” thuộc chương trình hợp tác kỹ thuật Việt Nam – Đức về Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) hỗ trợ nhằm mục đích hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong đào tạo nghề định hướng theo nhu cầu của thị trường, nhằm tăng cường lực lượng lao động có chất lượng phục vụ ngành thoát và xử lý nước thải.

Tổng kết những kết quả Dự án “Đào tạo nghề cho xử lý nước thải” đã đạt được, bà Phan Hoàng Mai, Trưởng hợp phần cho biết: “Dự án đã hỗ trợ các trường dạy nghề tại Việt Nam, Hội cấp thoát nước Việt Nam cùng các công ty thoát nước xây dựng thành công bộ tiêu chuẩn nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lí nước thải”. Bộ tiêu chuẩn này là cơ sở để xác định chất lượng và yêu cầu về đầu ra mà công tác đào tạo nghề cần hướng tới, để học viên sau khi tốt nghiệp đáp ứng được những đòi hỏi trong công việc thực tiễn”.

Dựa trên bộ tiêu chuẩn nghề đã xây dựng, nhóm chuyên gia quốc tế của dự án đã thiết lập một chương trình đào tạo nghề „Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải“ cho hệ cao đẳng nghề với thời gian đào tạo là 3 năm. Chương trình bao gồm các mô đun lý thuyết và thực hành, với phần thực hành được giảng dạy tại cả nhà trường lẫn doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một kết quả khác mà dự án đã đạt được là bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng cho nhóm giáo viên từ trường dạy nghề và từ các công ty thoát nước. Bằng cách đánh giá năng lực chuyên môn và kỹ năng thực hành của giáo viên trong lĩnh vực kỹ thuật thoát và xử lý nước thải, dự án đã đưa ra lộ trình nâng cao năng lực chuyên môn để giáo viên đạt yêu cầu về kiến thức cũng như nghiệp vụ sư phạm khi giảng dạy tại chương trình thí điểm. Những giáo viên này sẽ đóng vai trò là hạt nhân để tiếp nhận học viên đào tạo, bồi dưỡng nội bộ tại chính trường hoặc tại công ty của mình.

Cũng tại buổi Hội thảo, đại diện các Công ty Thoát nước đô thị tham gia trong Dự án Đào tạo nghề cho thoát và xử lý nước thải cũng khẳng định nhu cầu cần thiết về lao động có tay nghề đối với các doanh nghiệp đồng thời cam kết hỗ trợ Dự án trong những giai đoạn tiếp theo (2015 – 2017) nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường lực lượng lao động có chất lượng phục vụ cho ngành thoát và xử lý nước thải.

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook