TVET Vietnam

Học hỏi từ mô hình quản lý và đảm bảo chất lượng Đức – Hướng tới tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong các cơ sở đào tạo nghề ở Việt Nam

Từ ngày 19/8 đến 27/8/2018, 16 đại diện từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), các cơ sở GDNN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các kiểm định viên chất lượng GDNN trên toàn quốc đã tham gia chuyến thăm quan tới Đức với chủ đề “Quản lý và bảo đảm chất lượng tại các cơ sở đào tạo nghề ở Đức”. Trong chuyến công tác sáu ngày, các đại biểu đã đến thăm và thảo luận với các nhà quản lý của các cơ quan khác nhau trong lĩnh vực đào tạo nghề , như trường Radko-Stoeckle ở Melsungen, trung tâm đào tạo nghề thuộc Phòng thủ công Erfurt, Học viện Thüringer về Đào tạo Nâng cao cho giáo viên, Phát triển Chương trình Đào tạo và Truyền thông, cũng như Viện đào tạo Volkswagen tại Zwickau. “Chuyến đi là một cơ hội học tập tốt vì tôi có cơ hội trao đổi với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này và hiểu rõ các mô hình và các yếu tố quản lý và đảm bảo chất lượng hiện đang được áp dụng tại các cơ sở đào tạo nghề tại Đức. Trải nghiệm này sẽ mang lại cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm để cải thiện hệ thống quản lý chất lượng tại sơ sở mình đang công tác”, Ông Bùi Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Trong chuyến công tác, các đại biểu đã nắm được hệ thống đào tạo nghề của Đức, bao gồm các địa điểm học tập, các loại hình, trung tâm đào tạo nghề, cũng như các mô hình quản lý và đảm bảo chất lượng được áp dụng ở một số bang như mô hình các nhiệm vụ cốt lõi được phát triển dựa trên nền tảng mô hình Quản lý chất lượng Châu Âu (EFQM) được áp dụng ở bang Niedersachsen, khung tham chiếu chất lượng ở bang Hessen, mô hình quản lý chất lượng AZAV được áp dụng khi các trường, trung tâm muốn nhận sự hỗ trợ tài chính từ bang. Các đại biểu cũng tìm hiểu về mô hình quản lý chất lượng đào tạo ISO 29990: 2010 được áp dụng phổ biến trong các trung tâm đào tạo nghề trên doanh nghiệp và các trung tâm đào tạo nghề tư thục vừa muốn đảm bảo chất lượng, vừa muốn quảng bá hình ảnh của cơ sở mình.

Ở những ngày tiếp theo của chuyến công tác, các chuyên gia đánh giá của công ty DQS, một trong những cơ quan chứng nhận hàng đầu trên thế giới, Tiến sĩ Thomas Rau và Tiến sĩ Karsten Koitz, đã chia sẻ với đoàn về các nguyên tắc để phát triển một mô hình quản lý chất lượng hiệu quả. Hai chuyên gia cũng chia sẻ cách áp dụng vòng tròn cải thiện chất lượng (lập kế hoạch-thực hiện-kiểm tra đánh giá-cải thiện chất lượng dựa trên kết quả đánh giá). Đây là những yếu tố quan trọng để mô hình quản lý chất lượng hoạt động hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, những người tham gia đã thảo luận với Tiến sĩ Klaus-Dieter Mertineit, Giám đốc Công ty Dịch vụ Quản lý và Đào tạo nghề Bền vững chia sẻ về mô hình các nhiệm vụ cốt lõi và nhấn mạnh mô hình quản lý chất lượng cần phải được viết bằng ngôn ngữ đơn giản để các giáo viên có thể hiểu rõ. Các thành viên trong trường cũng cần thường xuyên phản hồi để điều chỉnh mô hình quản lý chất lượng tại cơ sở đào tạo nghề của mình.

Để có chất lượng đào tạo nghề nghiệp tốt, ở mỗi mô hình rất cần có sự tham gia hiệu quả của các nhà hoạch định chính sách, của các đơn vị hỗ trợ giáo dục đào tạo nghề nghiệp, của từng con người từ lãnh đạo đến nhân viên nhà trường trong toàn bộ quy trình quản lý chất lượng và đặc biệt là của doanh nghiệp vì họ sẽ xác định nhu cầu và yêu cầu đào tạo”, bà Trần Thị Lan Anh, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động chia sẻ.

Sau chuyến công tác, các đại biểu sẽ đối chiếu những mô hình quản lý chất lượng khác nhau được áp dụng trong các cơ sở đào tạo nghề tại Đức với bối cảnh Việt Nam, từ đó lựa chọn khung quản lý chất lượng đào tạo nghề phù hợp nhất để làm cơ sở tham chiếu và đánh giá ba cơ sở GDNN chất lượng cao ở Việt Nam. Kết quả của đánh giá này sẽ giúp các cơ sở GDNN xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Đức

“Các đại biểu đã học được rất nhiều thông tin về các hệ thống quản lý chất lượng được sử dụng trong các cơ sở đào tạo nghề ở các bang khác nhau ở Đức, cũng như hệ thống quản lý chất lượng của các trung tâm đào tạo tại doanh nghiệp. Các bài học kinh nghiệm và các chia sẻ bởi các chuyên gia, giám đốc của các cơ sở này thực sự hữu ích trong việc thực hiện các hoạt động hợp tác giữa Cục Kiểm định Chất lượng Giáo dục nghề nghiệp và Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục  Cục Kiểm định Chất lượng Giáo dục nghề nghiệp (VETA), Tổng cục GDNN cho biết.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Hợp phần “Tư vấn hệ thống đào tạo nghề”, thuộc chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), và do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện.

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook