TVET Vietnam

Giáo dục nghề nghiệp hôm nay, Cách mạng Công nghiệp 4.0 ngày mai – Những hàm ý đối với thị trường lao động và công tác GDNN Việt Nam

Cách mạng công nghiệp 4.0 kết nối các quy trình sản xuất công nghiệp với công nghệ thông tin hiện đại. Các hệ thống thực thể giao tiếp và phối hợp với nhau và với con người trong thời gian thực thông qua mạng internet (vạn vật kết nối). Đặc biệt đối với các nước như Việt Nam, Công nghiệp 4.0 có thể tạo ra những thách thức đáng kể cho thị trường lao động và công tác giáo dục nghề nghiệp. Các kịch bản khả thi và những điều chỉnh cần thiết cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam đã được các chuyên gia Đức và Việt Nam thảo luận tại buổi Nói chuyện Chuyên đề lần thứ 3 của cựu sinh Đức năm 2017 về “Giáo dục nghề nghiệp hôm nay, Cách mạng Công nghiệp 4.0 ngày mai – Những hàm ý đối với thị trường lao động và công tác giáo dục nghề nghiệp Việt Nam” do Viện Goethe, DAAD, Đại sứ quán Đức và GIZ tổ chức ngày 14 tháng 9 năm 2017.

Bài trình bày đề dẫn của Tiến sĩ Horst Sommer, Giám đốc Chương trình và Bà Lisa-Marie Kreibich, Cố vấn Kỹ thuật của Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt nam- GIZ về các giả định chung và hàm ý dự đoán của Công nghiệp 4.0 đối với thị trường lao động và những điều chỉnh cần thiết của hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã khởi đầu một cuộc thảo luận sôi nổi giữa các cựu sinh và các nhà phân tích. Các diễn giả giải thích rằng để theo kịp tốc độ thay đổi công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, phải đảm bảo tính linh hoạt của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có khả năng đáp ứng nhanh chóng những yêu cầu liên tục thay đổi bằng cách phát triển và điều chỉnh các chương trình đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp là lựa chọn ưu việt nhất để phát triển những chương trình đào tạo gắn với việc làm và bắt kịp được những thay đổi công nghệ mới nhất.

Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Kiểm định và Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Nghề Nghiệp (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp-DVET)  chia sẻ rằng chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị để ứng phó với những thách thức của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được hưởng cơ chế tự chủ, cho phép họ đáp ứng tốt hơn nhu cầu thay đổi nhanh chóng của khối doanh nghiệp thông qua việc độc lập phát triển các chương trình đào tạo với sự hợp tác chặt chẽ hơn với doanh nghiệp tại địa phương. Để thực hiện thành công quyền tự chủ, TS. Horst Sommer nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước về GDNN cần phải giảm bớt việc can thiệp chi tiết và kiểm soát quá mức các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trả lời câu hỏi của khán giả, Tiến sĩ Horst Sommer cho biết cần có sự hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp để bắt kịp những thay đổi về công nghệ. Các nhà tuyển dụng tiềm năng trong tương lai cần phải có tiếng nói quan trọng trong việc xác định các tiêu chuẩn nghề nghiệp và các chương trình đào tạo vì chỉ doanh nghiệp/người sử dụng lao động mới biết và nói rõ được họ cần người lao động có những kỹ năng nào. Doanh nghiệp cũng cần được tham gia vào việc thiết kế quy trình đánh giá và công nhận đầu ra của một chương trình đào tạo. Cơ chế này cho phép cung cấp các chương trình đào tạo gắn với việc làm, bắt kịp những phát triển công nghệ mới nhất và được cộng đồng doanh nghiệp chấp nhận. Ngoài ra, sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo có thể dẫn đến việc một số hợp phần thực hành được dạy tại doanh nghiệp. Các hợp phần đào tạo thực hành được xây dựng và triển khai chặt chẽ tại doanh nghiệp giúp học viên có cơ hội xây dựng những kỹ năng nghề phù hợp trong chính môi trường làm việc thực tế, sử dụng những công nghệ mới nhất.

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook