TVET Vietnam

Đợt công tác “Xanh hóa Đào tạo nghề” (Greening TVET) tại Việt Nam từ 04. tới 12.03.2013

Hà Nội, 22.03.2013

Đợt công tác “Xanh hóa Đào tạo nghề” được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Trong thời gian diễn ra đợt công tác, chuyên gia Đức về Đào tạo nghề , Tiến sĩ Klaus-Dieter Mertineit đã có những buổi làm việc với các đối tác Việt Nam và trao đổi về phương pháp tiếp cận trong lĩnh vực Phát triển nguồn nhân lực nhằm phục vụ triển khai “Chiến lược tăng trưởng xanh” của Chính phủ Việt Nam.

Để phát triển kinh tế một cách bền vững, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp vào năm 2020, thì việc đạt được các mục tiêu của “Chiến lược tăng trưởng xanh” là một ưu tiên hàng đầu của chính phủ Việt Nam. Điều có tính quyết định ở đây là phải phát triển được một lực lượng lao động đủ năng lực, để có thể thích ứng quá trình sản xuất theo hướng sản xuất sạch, áp dụng các công nghệ (mới) và phát triển các lĩnh vực (mới) (chẳng hạn lĩnh vực năng lượng tái tạo).

Mục tiêu đặt ra cho đợt công tác này là xác định những nội dung cơ bản và xuất phát điểm cho việc triển khai “Xanh hóa Đào tạo nghề” ở Việt Nam, đồng thời xác định những lĩnh vực hoạt động can thiệp có thể triển khai trong khuôn khổ ”Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”.

Được sự ủy nhiệm của tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ, các chuyên gia Đức trong lĩnh vực Đào tạo nghề cho phát triển bền vững bao gồm TS. Klaus-Dieter Mertineit, bà Silvia Boehmsdorff và bà Nguyễn Thị Lê Hương, cán bộ Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề đã có các cuộc trao đổi với một loạt các đối tác Việt Nam (Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề (NIVT), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Dạy nghề Việt Nam (VVTA), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME). Đoàn cũng đã gặp gỡ các nhà tài trợ nước ngoài, đến thăm các cơ sở đào tạo nghề (Cao đẳng nghề Long An, và Cao đẳng nghề LILAMA 2) và hai doanh nghiệp là các công ty LAMICO và CS Wind.

Tại những buổi làm việc thẳng thắn, cởi mở với các cơ quan/tổ chức đối tác, đoàn đã cùng các Bên liên quan thảo luận về vai trò của Đào tạo nghề và những khả năng tiếp cận phù hợp trong lĩnh vực Đào tạo nghề để đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về sản xuất xanh hơn và về việc lồng ghép những nội dung xanh vào chương trình đào tạo nghề và trong việc làm. Một nội dung quan trọng nữa của các cuộc trao đổi là làm thế nào để có thể tạo ra trong xã hội nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường. Kết thúc đợt công tác, đoàn đã có được một cái nhìn khái quát về bối cảnh hiện tại trên lĩnh vực này, các kinh nghiệm và thách thức và cả những ý tưởng mới, hay cùng những khuyến nghị về “Xanh hóa Đào tạo nghề”.

Các vấn đề về môi trường đang còn là một lĩnh vực mới đối với nhiều Bên liên quan, hiện chưa được đưa vào đào tạo hay trong thực hành. Những bước đầu tiên theo hướng “Xanh hóa Đào tạo nghề” có thể sẽ là tập trung vào chủ đề sử dụng có trách nhiệm và hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng và các nguồn lực khác, với những nội dung chính như tái chế, tiết kiệm năng lượng, sử dụng thận trọng các chất nguy hại. Qua những hoạt động như vậy, sinh viên có thể thực hành bảo vệ môi trường ngay trong quá trình học tập. Điều quan trọng là những kỹ năng này không chỉ được dạy và duy trì thực hành trong nhà trường, mà cũng phải được áp dụng trong sản xuất và xã hội. Chỉ khi nào sinh viên được học và sống thực sự trong một không gian thân thiện với môi trường, thì khi đó “xanh hóa” mới thực sự là lâu dài và bền vững. Như vậy có thể thấy rằng, nâng cao chất lượng Đào tạo nghề và “Xanh hóa Đào tạo nghề” phải song hành với nhau.

Kết quả của đợt công tác “Xanh hóa Đào tạo nghề” sẽ được trình bày tại một hội thảo, với sự tham gia của tất cả các Bên liên quan để tạo điều kiện các Bên tiếp tục trao đổi về vấn đề này và xây dựng mạng lưới.

Nhân dịp này, chúng tôi xin cảm ơn tất cả các đối tác về những quan điểm và kinh nghiệm đã chia sẻ với đoàn công tác, về những vấn đề cơ bản và các điều kiện khung để thực hiện “việc làm xanh”, “làm xanh” sản xuất, “kỹ năng xanh” và “Xanh hóa Đào tạo nghề” ở Việt Nam.

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook