TVET Vietnam

Động lực và những kiến thức mới mẻ cho hoạt động tham mưu chính sách về xây dựng cơ chế tự chủ trong GDNN ở Việt Nam

Để nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở GDNN công lập nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu của nền kinh tế trong việc cung cấp lực lượng lao động có tay nghề, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần có sự tự chủ cao hơn về tổ chức, nhân sự và thực hiện nhiệm vụ học thuật. Bên cạnh đó, cơ chế cấp ngân sách nhà nước minh bạch, hiệu quả cũng được coi là một yêu cầu quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của cơ sở. Tập trung vào các chủ đề này, chuyến thăm quan học tập kinh nghiệm tới CHLB Đức đã được tổ chức vào tháng 11 năm 2018, trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”. Mục tiêu của hoạt động này là cung cấp cho các cán bộ tham mưu, tổng hợp chính sách toàn cảnh về hệ thống đào tạo nghề Đức nói chung và hoạt động hiệu quả của các cơ sở đào tạo nghề nói riêng, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu xây dựng khung pháp lý được chấp nhận trong xã hội về cơ chế tự chủ. Tham gia chuyến thăm quan học hỏi là các chuyên gia cao cấp từ Văn phòng Chính phủ, Tổng cục GDNN, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư , Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng như hiệu trưởng của các cơ sở GDNN thí điểm cơ chế tự chủ trong thời gian 3 năm vừa qua ở Việt Nam.

Tại chuyển đi, các đại biểu đã ghi nhận nhiều thông tin chuyên nghiệp, đa dạng cũng như có cơ hội trao đổi kinh nghiệm với những chuyên viên, cán bộ đào tạo Đức, các chính trị gia và đại diện của các cơ quan nhà nước trong hệ thống Đào tạo nghề tại Đức. Tới thăm Học viện liên bang đào tạo nghề (BIBB) tại Bonn, trường dạy nghề thương mại kỹ thuật Magdeburg, trường Đại học Ứng dụng đào tạo kinh tế tại Berlin và Brangenburg (bbw), Phòng tiểu thủ công bang Postdam và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề, các đại biểu đã hiểu rõ những yếu tố thành công quan trọng nhất trong hệ thống đào tạo nghề kép tại Đức, trong đó có sự tham gia chặt chẽ của khối doanh nghiệp vào quá trình đào tạo. Các đại biểu cũng có một cái nhìn tổng quát về các nguyên tắc cơ bản của cơ chế quản lý nguồn vốn, tài sản, nhân lực trong các cơ sở đào tạo nghề công lập và tư nhân.

“Đây là những động lực và kiến thức mới mẻ mà chúng tôi có thể áp dụng trong quá trình xây dựng cơ chế tự chủ nhằm phát triển hệ thống đào tạo nghề ở Việt Nam trong thời gian tới”, bà Khương Thị Nhàn, Giám đốc Ban quản lý Dự án Giáo dục nghề nghiệp vốn Chương trình mục tiêu quốc gia cho biết.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Hợp phần “Tư vấn hệ thống đào tạo nghề”, thuộc Chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), và do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện.

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook