“Những bài trình bày và các phiên thảo luận tại Đại hội Viện Đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB) 2018 và chuyến thăm quan thực tế tới Viện BIBB đã thôi thúc việc tiếp tục cải thiện chất lượng hệ thống đào tạo nghề Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh của thời đại kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0”, TS. Trương Anh Dũng, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo duc Nghề nghiệp, trưởng đoàn đại biểu từ Việt Nam chia sẻ. Đoàn đại biểu bao gồm lãnh đạo và cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục Nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục Nghề Nghiệp Việt Nam và Chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo Nghề Việt Nam”. Chuyến công tác tới Đức diễn ra từ 7/6/2018 đến 15/6/2018, do Viện Đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB) chủ trì.
Với chủ đề “Học tập cho tương lai, Giáo dục nghề nghiệp của ngày mai – Kinh nghiệm đổi mới”, Đại hội là diễn đàn mở cho khoảng 900 đại biểu Đức và Quốc tế, những người có kinh nghiệm thực tế và cán bộ nghiên cứu từ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, khối kinh tế và hàn lâm, cũng như các nhà hoạch định chính sách cùng nhau phân tích thực tế đào tạo nghề tại Đức, từ đó đưa ra những định hướng cho đào tạo nghề trong tương lai
Đúng với tinh thần: “Học tập cho tương lại”, Đại hội không chỉ thảo luận những thách thức hiện tại và tương lai của giáo dục nghề nghiệp, mà còn đề cập tới những cơ hội cần nắm bắt trong kỷ nguyên số hiện nay. Đoàn đại biểu Việt nam đã tham gia tích cực vào những phiên họp toàn thể và những diễn đàn song song, tập trung vào bốn chủ đề chính
– Diễn đàn về “Giáo dục nghề nghiệp trong Công nghiệp 4.0 – Đào tạo ban đầu và đào tạo nâng cao trong kỷ nguyên số”, tập chung vào những thay đổi trên toàn hệ thống cũng như thay đổi cấp trình độ và phạm vi nghề.
– Diễn đàn về “Địa điểm học tập với tương lai: hợp tác và số hóa” tập trung vào vấn đề địa điểm học tập và sự hợp tác giữa các địa điểm học tập trong giáo dục nghề nghiệp, dạy và học trong thời đại số hóa.
– Diễn đàn về “Học tập dựa trên công việc – năng lực nghề tại Châu Âu và Thế giới” tập trung vào sự đa dạng của việc học tập dựa trên công việc và tầm quan trọng của năng lực nghề nghiệp.
– Diễn đàn “Đào tạo nghề kép – Ưu tiên và thực tiễn” tập trung nội dung giới trẻ trên hành trình vào học nghề.
Đại hội cũng là cơ hội cho đoàn đại biểu từ Việt Nam kết nối và thảo luận các vấn đề liên quan tới đào tạo nghề với các chuyên gia nước ngoài, bao gồm các cán bộ nghiên cứu của viện BIBB và các đối tác hiện có Viện Trình độ chuyên môn Thái Lan (TPQI).
Những vấn đề liên quan đến nền công nghiệp 4.0 cũng như xanh hóa đào tạo nghề, tài chính cho đào tạo nghề, nâng cao nhận thức về đào tạo nghề và quản lý chất lượng cũng được thảo luận thêm trong suốt chuyến thăm bốn ngày tới Viện BIBB tại Bonn vào tuần sau đó. Các đại biểu cũng tới thăm quan thực tế tại Phòng tiểu thủ công nghiệp tại Berlin, trung tâm đào tạo trên doanh nghiệp Butzweiler Hof ở Cologne và trung tâm đào tạo TÜV Rheinland. Tới thăm trụ sở chính của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO-UNEVOC) tại Bonn, các đại biểu đã bàn về những cách tăng cường vai trò của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với tư cách là một thành viên của UNEVOC. Vào ngày cuối cùng của chuyến công tác, các đối tác cũng trao đổi về chủ đề theo dõi và giám sát hệ thống giáo dục nghề nghiệp, về phát triển báo cáo giáo dục nghề nghiệp Việt Nam 2017, cũng như những hoạt động hợp tác giữa viện BIBB, NIVET/DVET và GIZ trong thời gian tới.
Chuyến công tác nằm trong khuôn khổ Hợp phần 1 “Tư vấn hệ thống dạy nghề”, thuộc Chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam” do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) ủy nhiệm cho Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện