TVET Vietnam

Đoàn đại biểu Việt Nam tham luận tại Hội nghị Khu vực về Đào tạo nghề Lần thứ 3 tại Vientiane, CHDCNN Lào

Ngày 14 tháng 12 năm 2015

Ngài Thomas Silberhorn, Quốc Vụ Khanh, Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) và Tiến sĩ Phankham Viphavanh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể Thao Lào (MoES) đã khai mạc Hội nghị Khu vực về Đào tạo nghề Lần thứ 3 tại Vientiane ngày 14 tháng 2 năm 2015. Đoàn đại biểu Việt Nam, do Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dạy nghề dẫn đầu, đã tham gia phát biểu khai mạc và đóng góp tích cực vào các nhóm công tác chuyên đề thông qua các bài thuyết trình và thảo luận về những mô hình đã được triển khai thành công tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ngài Silberhorn nhấn mạnh ‘Đào tạo nghề là yếu tố quyết định đối với phát triển kinh tế xã hội và do đó là một phần trong các chương trình nghị sự chính trị quốc tế như Mục tiêu Phát triển Bền vững và chương trình Giáo dục cho Mọi người’.

Tiến sĩ Phankham Viphavanh khẳng định ‘Hội nghị Khu vực về Đào tạo nghề Lần thứ 3 là cơ hội tốt để chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm về hiện trạng đào tạo nghề trong khu vực và quốc tế. Hội nghị cũng tạo cơ hội để các nước cùng nhau xác định những thách thức mới và các phương thức ứng phó với những thách thức đó một cách thành công.’

Trong phiên làm việc chuyên đề ‘Đào tạo nghề Gắn với Việc làm’, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh (HVTC), ông Nguyễn Văn Thiện, Tổng giám đốc Công ty Cấp thoát nước Môi trường Bình Dương và bà Phan Hoàng Mai, Trưởng hợp phần dự án Đào tạo nghề cho Lĩnh vực Xử lý Nước thải (GIZ), đã chia sẻ kinh nghiệm về quá trình xây dựng một chương trình đào tạo hợp tác cho nghề Kỹ thuật viên Thoát nước và Xử lý Nước thải, với sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và cơ quan quản lý nhà nước. Các diễn giả chia sẻ những thông tin sâu về cách thức xây dựng chương trình đào tạo gắn với việc làm, trong đó các bên liên quan cùng xây dựng chuẩn nghề, chương trình đào tạo và tài liệu giảng dạy, đồng thời tiến hành bồi dưỡng thực hành cho giáo viên của trường và cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp. Các thành viên hội đồng chủ tọa từ Việt Nam cũng đã thảo luận những thách thức trong việc triển khai chương trình đào tạo nghề gắn với việc làm như làm thế nào để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề và nhân rộng những mô hình đã thành công trong toàn hệ thống.

Trong phiên làm việc chuyên đề ‘Quản lý Nhà nước trong Đào tạo nghề’, Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề (NIVT) và bà Britta Van Erckelens, Trưởng hợp phần Tư vấn Hệ thống Đào tạo nghề (GIZ) đã chia sẻ ví dụ về xây dựng Báo cáo Đào tạo nghề tại Việt Nam như một công cụ hỗ trợ hoạch định chính sách trên cơ sở bằng chứng ở cấp độ quốc gia và hội nhập khu vực. Giới thiệu ấn phẩm vừa được xuất bản, Báo cáo Quốc gia về Đào tạo nghề Số 3 của Việt Nam, một sản phẩm hợp tác ba bên giữa NIVT, Tổ chức GIZ và Viện Giáo dục và Đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB), Tiến sĩ Hùng nhấn mạnh rằng sự tham gia của các bên liên quan trong toàn bộ quá trình xây dựng báo cáo là chìa khóa thành công đảm bảo rằng báo cáo sẽ được sử dụng ở cấp độ hoạch định chính sách. Ví dụ về xây dựng báo cáo đào tạo nghề tại Việt Nam có thể là một mô hình cho các nước ASEAN như Philippines, vốn cũng đang có kế hoạch xây dựng công cụ báo cáo quốc gia về đào tạo nghề.

Trưởng đoàn Đại biểu Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh tóm tắt kết quả của hộ nghị ‘Các chủ đề của hội nghị phản ánh chính xác những thách thức mà các quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt. Đây là cơ hội tốt để chúng tôi chia sẻ những việc đã làm tốt và trao đổi, học hỏi từ các quốc gia khác.Chúng tôi mong được trao đổi liên tục và hiệu quả với các quốc gia khác, đặc biệt là về các nội dung như xây dựng hình ảnh và thu hút học sinh học nghề, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong dạy nghề và đào tạo nghề xanh. Đây là những chủ đề mới mẻ đối với Việt Nam và chúng tôi có thể học hỏi nhiều từ các nền kinh tế tiên tiến hơn trong khu vực như Singapore và Malaysia.’

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook