Diễn đàn Chính sách Quốc gia đối với Thanh niên 2022, chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên” diễn ra ngày 30 tháng 3 năm 2022 là cơ hội để thanh niên chia sẻ nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan Nhà nước về công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu trong tình hình phát triển mới của đất nước.
Thanh niên nói riêng và người lao động (NLĐ) Việt Nam nói chung đã có nhiều có nhiều cố gắng trong quá trình rèn luyện tay nghề nhưng vẫn còn thiếu những kỹ năng mềm trong ứng xử, tổ chức kỷ luật để bắt kịp với sự phát triển, hội nhập của thế giới. Hơn nữa, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn tới thị trường LĐ toàn cầu, việc đánh giá lại nguồn nhân lực nước nhà để từ đó tìm ra những giải pháp phù hợp là rất cần thiết. Đặc biệt là với thanh niên, thế hệ được coi là mũi nhọn trong việc quyết định sự phồn thịnh của nước nhà sau này.
Thực tiễn đưa ra những con số “biết nói” đáng được quan tâm và giải quyết như: Tỷ lệ thanh niên có kỹ năng nghề đạt 19% so với tỷ lệ trung bình cả nước 24,1%; tỷ lệ LĐ thanh niên chưa qua đào tạo cao, nhất là thanh niên nông thôn; Cơ cấu đào tạo nghề chênh lệch lớn về trình độ, ngành nghề, vùng miền; Dự báo nhu cầu LĐ thanh niên chưa gắn với thực tế doanh nghiệp; Đào tạo nghề cho người yếu thế, dân tộc thiểu số, phụ nữ chưa được quan tâm sát sao.
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn có những chủ trương, chính sách để hỗ trợ và bồi dưỡng thanh niên trong phát triển kinh tế- xã hội, phổ cập nghề. Đặc biệt, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là 2 trong nhiều ví dụ về những chính sách Đảng và Nhà nước triển khai mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển cho thanh niên Việt Nam.
Cũng tại Diễn đàn, bà Afsana Rezaie, Phó Giám đốc Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới GDNN tại Việt Nam; giới thiệu và đề xuất chương trình đào tạo theo mô-đun tương tự của Đức; đưa ra khuyến nghị cho hệ thống GD và GDNN của Việt Nam. Theo đó, Chương trình đào tạo theo mô đun Đức sẽ dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp tại Việt Nam và các Chuẩn đầu ra được ban hành; được áp dụng cho trình độ trung cấp và cao đẳng; mỗi mô-đun bao gồm 30% lý thuyết và 70% thực hành. Từ đó, chương trình đưa ra khuyến nghị bao gồm đánh giá khả năng cho phép thanh niên học trình độ CĐ mà không cần bằng tốt nghiệp THPT; đánh giá khả năng các trường CĐ trực tiếp hoặc phối hợp với trường PT và GDTX cung cấp GDPT cho học sinh, thanh niên muốn lấy bằng tốt nghiệp THPT; đánh giá thí điểm cho phép học viên tốt nghiệp CĐ được học trong lĩnh vực liên quan mà không cần bằng tốt nghiệp THPT nhưng có nhiều kinh nghiệm làm việc và vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học.
“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Để xứng đáng là lực lượng tiên phong trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, đóng góp cho sự phát triển của nước nhà, bản thân các thanh niên cũng cần không ngừng nỗ lực, rèn luyện và phát huy sức trẻ, trí tuệ, hun đúc lý tưởng, thực hiện thành công hoài bão ước mơ.
(Nguồn tham khảo: Báo Chính phủ, Thanh Niên)