TVET Vietnam

Chuyển đổi số-Cơ hội và thách thức đối với Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam

Từ ngày 14-15/11/2020 tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam” và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phối hợp tổ chức, với sự tham gia của 52 đại biểu là lãnh đạo Tổng cục GDNN thuộc Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội, Cục Tin học hóa thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), lãnh đạo chủ chốt đến từ 11 trường cao đẳng nghề đối tác trên cả nước, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số và GDNN.

Phát biểu khai mạc, TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 và Chỉ thị số 24/CT-TTg 28/05/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN, với định hướng tăng quy mô gấp đôi về đào tạo nghề từ 2,2 triêu/năm. Theo đó, Tổng cục đặt mục tiêu trên 70% người học sẽ được trang bị kỹ năng công nghệ thông tin. Để đạt được mục tiêu này, “Chuyển đổi số cần xuất phát từ nhận thức đúng”, TS Trương Anh Dũng khẳng định.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu, là “cơ hội cuối cùng” cho Việt Nam, tạo tác động toàn diện đến nhiều lĩnh vực và nhiều mặt của đời sống. Theo TS Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch VINASA “Chuyển đổi số sẽ tạo sự thay đổi căn bản về quy trình làm việc, cơ cấu tổ chức, sản phẩm và dịch vụ. Điều này liên quan đến sự sống còn của tổ chức, do đó cần có sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo và lồng ghép trong chiến lược cốt lõi của tổ chức”

Trong phần thảo luận nhóm, các lãnh đạo phân tích một số điểm mạnh trong lĩnh vực GDNN để thực hiện chuyển đổi số, đó là sự quyến tâm của đội ngũ lãnh đạo, một số cơ sở GDNN có cơ sở hạ tầng công nghệ tốt, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, tự chủ về chuyên môn và năng lực ứng dụng CNTTT. Tuy nhiên, những điểm cần khắc phục cũng được chỉ ra, bao gồm sự chưa đồng đều về năng lực cán bộ và người học, tâm lý ngại thay đổi, chưa có kế hoạch và chiến lược cụ thể và bài bản về chuyển đổi số, hệ thống dữ liệu chưa đồng bộ, hệ thống pháp lý và nhận thức về chuyển đổi số còn hạn chế.

Dù còn nhiều thách thức, chuyển đổi số mở ra cơ hội cho sự thay đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, tận dụng sự hỗ trợ từ nỗ lực quốc gia và tiếp cận công nghệ mới. TS Christian Hoffmann, Đại sứ chuyển đổi số, GIZ cho rằng “Đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu hoạt động chuyển đổi số. Các cơ sở GDNN có thể bắt đầu từ những kế hoạch với quy mô nhỏ trước, sau đó đánh giá hiệu quả và từng bước mở rộng mô hình. Các giảng viên trẻ, cán bộ trẻ của nhà trường nên được khuyến khích tham gia tích cực vào quá trình này”.

Phát biểu bế mạc hội thảo, TS Phan Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục GDNN đánh giá cao chất lượng và kết quả hội thảo. Tiến sỹ cho biết Tổng cục GDNN đã thành lập Tổ đề án về chuyển đổi số, đồng thời đề nghị chuyển đổi số trong quản lý hệ thống GDNN và trong quản lý cơ sở GDNN cần phải được thực hiện song song. Hoạt động nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cũng cần được tăng cường hơn nữa. TS Phan Vũ Quốc Bình đề xuất thành lập kênh kết nối trao đổi thông tin cho các đại biểu ngay sau hội thảo để bắt đầu phối hợp triển khai các hoạt động. Với sự quyết tâm và cam kết của các bên, hy vọng chuyển đổi số sẽ được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ trong thời gian tới, góp phần giúp hệ thống GDNN tại Việt Nam mở, linh hoạt, có tính thức ứng cao để phản ứng nhanh hơn với thay đổi từ thị trường lao động. Mục tiêu cuối cùng nhằm nâng cao khả năng cung ứng nguồn nhân lực có trình độ và có năng lực số đáp ứng yêu cầu của môi trường làm việc.

Hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện.

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook