Năm 2018, theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, được coi là năm đột phá của giáo dục nghề nghiệp. Đây là một chủ trương đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của nguồn nhân lực cho Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế, đặc biệt là trước những thách thức và cơ hội mới mà nền công nghiệp 4.0 mang lại. Đồng hành cùng với nỗ lực này, chương trình hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”, do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện, đã hợp tác chặt chẽ cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong năm vừa qua, hướng tới mục tiêu “Cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp để phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế xanh và bền vững ở Việt Nam”. Trong bài phỏng vấn dưới đây, mời bạn cùng Tiến sỹ Juergen Hartwig, Giám đốc Chương trình, GIZ Việt Nam điểm lại những thành tựu tiêu biểu của hợp tác Việt-Đức về giáo dục nghề nghiệp trong năm 2018, cũng như những mục tiêu và ưu tiên trong năm 2019.
Những chuyển biến về số lượng và chất lượng trong mạng lưới GDNN
Kể từ năm 2016 khi Bộ LĐ-TB&XH trở thành cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDNN, mạng lưới gần 2000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được rà soát, sắp xếp và quy hoạch lại để đảm bảo tính hiệu quả và hệ thống. Theo Quyết định 761 sửa đổi, một số cơ sở GDNN sẽ được lựa chọn để trở thành cơ sở GDNN chất lượng cao. Chương trình hợp tác Việt-Đức đã tiếp tục xây dựng và triển khai khái niệm về Trung tâm chất lượng cao về đào tạo nghề tại trường Cao đẳng Quốc tế LILAMA 2, Cao đẳng Kỹ nghệ II thành phố Hồ Chí Minh (HVCT) và Cao đẳng nghề Cơ giới và Thủy lợi, Đồng Nai (VCMI), cung cấp những chức năng bổ sung cho hệ thống GDNN, như bồi dưỡng nâng cao cho cán bộ giảng dạy của các cơ sở GDNN khác cũng như cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp. Nhằm khuyến khích hợp tác và đầu tư, Nhà nước cần xây dựng và thực hiện các quy định và hướng dẫn pháp lý nhằm thúc đẩy một hệ thống GDNN chất lượng, nhận được sự tin tưởng của khối doanh nghiệp.
Các thông tin và chủ đề liên quan tới phát triển mạng lưới cơ sở GDNN cũng được đề cập trong báo cáo Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. Báo cáo là kết quả của hợp tác ba bên giữa Viện Khoa học GDNN (NIVT) thuộc Tổng cục GDNN, GIZ và Viện Giáo dục và Đào tạo nghề liên bang Đức (BIBB). Đây là báo cáo thường niên đầu tiên về GDNN tại khu vực ASEAN. Năm 2019, báo cáo này sẽ tiếp tục được hỗ trợ và cải thiện để hỗ trợ công tác hoạch định chính sách dựa trên các bằng chứng thực tiễn.
Tự chủ là chìa khóa để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Tự chủ của các cơ sở GDNN là một trong những trọng tâm trong năm 2018. Trong khuôn khổ chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”, những vấn đề xoay quanh chủ đề này cũng đã được thảo luận tại nhiều hội thảo và tại chuyến thăm quan học hỏi tới Đức trong năm qua, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Dự thảo Quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở GDNN công lập mà Chính phủ đang soạn thảo và chuẩn bị ban hành. Tự chủ giúp các cơ sở GDNN chủ động hợp tác với doanh nghiệp để phát triển các khóa đào tạo hướng cầu cũng như độc lập trong các quyết định về nhân sự và tổ chức của cơ sở mình. Tuy nhiên, tự chủ cũng mang tới những thách thức, đặc biệt là áp lực về tài chính yêu cầu các cơ sở GDNN thực sự chuyển mình để đa dạng hóa nguồn ngân sách, cân đối thu chi. Tại Đức, nhà nước đóng góp ngân sách cho các hoạt động đào tạo lý thuyết tại các cơ sở GDNN, trong khi doanh nghiệp đóng góp một phần ngân sách cho đào tạo tại doanh nghiệp. Ở Việt Nam, cả hai phía nhà nước và doanh nghiệp cần cùng phối hợp để ổn định nguồn ngân sách cho GDNN, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho một nền kinh tế tăng trưởng và bền vững.
Sự tham gia sâu rộng của khối doanh nghiệp đảm bảo chất lượng và tính hướng cầu trong đào tạo.
Trong năm vừa qua, nhiều cơ chế đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp cũng được đề ra, điển hình là Nghị định 48 quy định quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong các hoạt động GDNN, trong đó đưa ra tiêu chuẩn cho cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp. Năm 2019, cần quy định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan, cũng như xác định rõ cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm đào tạo và cấp chứng chỉ cho cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp. Cũng cần xây dựng tiêu chuẩn cho cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp, dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, ví dụ như Tiêu chuẩn cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp ở khu vực ASEAN do Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (SOM-ED) đề ra.
Trong khuôn khổ Chương trình “Đối mới Đào tạo nghề Việt Nam”, hợp tác với khối doanh nghiệp vẫn luôn là chủ đề trọng tâm. Tháng 4/2018, một Biên bản ghi nhớ về hợp tác doanh nghiệp đã được ký kết giữa Tổng cục GDNN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và GIZ, mở ra nhiều cơ hội hợp tác với khối doanh nghiệp trong thời gian tới, trong đó có việc doanh nghiệp tham gia phát triển tiêu chuẩn nghề và chương trình đào tạo, đào tạo nghề tại doanh nghiệp cũng như quá trình đánh giá và cấp chứng chỉ.
Tháng 11 năm 2018, khóa đào tạo phối hợp thí điểm nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải” đã kết thúc thành công sau 3 năm triển khai tại trường Cao đẳng Kỹ nghệ II thành phố Hồ Chí Minh. Các sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn năng lực Kỹ thuật viên thoát nước và xử lý nước thải theo tiêu chuẩn Đức. Với nhiều bài học kinh nghiệm từ mô hình Đào tạo kép của Đức, khóa đào tạo đánh dấu một bước tiến mới của hoạt động đào tạo nghề ở Việt Nam, chứng minh được rằng đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu và hiệu quả. Do vậy, mô hình đào tạo phối hợp có thể được học hỏi và triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Cũng trong năm 2018, hai hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử và Điện tử công nghiệp và Hội đồng tư vấn nghề Cắt kim loại – CNC và Cơ khí xây dựng đầu tiên đã được thành lập tại Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA 2, tỉnh Đồng Nai. Với sự tham gia của đại diện từ cả ba bên: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn là mô hình tiêu biểu cho cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các doanh nghiệp vào các hoạt động GDNN. Trong năm 2019, hy vọng mô hình này sẽ phát huy hiệu quả, đặc biệt là tăng cường sự tham gia của đại diện doanh nghiệp trong phát triển tiêu chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, cũng như các khâu thực hiện và đánh giá đào tạo.
Đảm bảo chất lượng là cơ sở cho hoạt động cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp
“Nghiên cứu lần vết” và “Khảo sát doanh nghiệp” đã được lồng ghép vào Thông tư 15 quy định những tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN, và Thông tư 28 về đảm bảo chất lượng trong GDNN. Đây là những công cụ quan trọng giúp nâng cao chất lượng các khóa đào tạo nghề dựa trên phản hồi và nhu cầu tuyển dụng của doah nghiệp, cũng như tình hình việc làm của học viên nghề sau tốt nghiệp. Năm 2018, Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” đã phối hợp với Cục Kiểm định chất lượng GDNN tổ chức các khóa đào tạo về các công cụ này cho 20 cơ sở GDNN trên cả nước. Đặc biệt, 12 cán bộ nhân rộng đã được đào để phổ biến rộng rãi công cụ này trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam. Đây sẽ là một nguồn lực hiệu quả để hỗ trợ Tổng cục GDNN trong việc cải thiện hệ thống đào tạo nghề tại Việt Nam. Một tài liệu tổng hợp các hướng dẫn và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện sẽ được hoàn thiện và bàn giao cho Tổng cục GDNN vào năm 2019.
Trong năm qua, các cán bộ kiểm định từ Tổng cục GDNN, VCCI và các cơ sở GDNN cũng đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm Quốc tế về đảm bảo chất lượng, thông qua chuyến thăm quan học tập tại Đức. Sau chuyến đi, các đại biểu đã lựa chọn một khung quản lý chất lượng đào tạo nghề của Đức để đánh giá ba cơ sở GDNN chất lượng cao ở Việt Nam (Trường Cao Đẳng Công nghệ Cao Hà Nội, Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi, và Cao đẳng Kỹ nghệ II thành phố Hồ Chí Minh), từ đó đưa ra những kết quả đánh giá chi tiết giúp các trường cải thiện chất lượng phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế, cũng như giúp cấp hệ thống điều chỉnh các thông tư về kiểm định và đảm bảo chất lượng trong những năm tới.
GDNN cần tiếp tục chuyển mình trước những cơ hội và thách thức từ Công nghiệp 4.0, xanh hóa GDNN và hình ảnh GDNN
Nền công nghiệp 4.0 mang tới nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trong năm 2018, các thỏa thuận cũng đã được ký kết giữa Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”, Tổng cục GDNN và các đối tác từ khối doanh nghiệp, tiêu biểu là Hợp tác Công tư ký kết với Bosch Rexroth về việc xây dựng và thí điểm các mô-đun đào tạo 4.0 (tháng 8/2018), Hợp tác thỏa thuận giữa LILAMA2 và 9 cơ sở GDNN khác về mô đun đào tạo theo định hướng nền công nghiệp 4.0 (tháng 9/2018). Nhiều hội thảo, tọa đàm và chuyến thăm quan học hỏi tại Đức cũng đã được tổ chức, đưa ra những kinh nghiệm và ý kiến đóng góp quan trọng để hoàn thiện Kế hoạch lồng ghép Công nghiệp 4.0 vào Chiến lược GDNN giai đoạn 2021-2030, sẽ được hoàn thiện trong năm 2019.
“Xanh hóa GDNN” là nhu cầu tất yếu của nền kinh tế xanh. Trong năm 2018, Kế hoạch hành động Xanh hóa GDNN đã được xây dựng và sẽ được hoàn thiện trong năm 2019. Một số hoạt động trong kế hoạch hành động cũng đã được thực hiện, trong đó có nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực triển khai xanh hóa GDNN; lồng ghép các yếu tố xanh vào chuẩn đầu ra và tiêu chí cơ sở GDNN chất lượng cao. Ngoài ra, mô-đun “Bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả” do trường VCMI xây dựng năm 2018 sẽ được thí điểm tại các chương trình đào tạo ở một số cơ sở GDNN trên cả nước vào năm 2019. Chương trình cũng sẽ phối hợp cùng Tổng cục GDNN hỗ trợ VCMI phát triển hai nghề xanh mới là “Công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà”, và “Công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí trong nhà máy”.
Năm 2018, cùng với việc phát triển bộ công cụ Xây dựng hình ảnh cho GDNN, các cơ sở GDNN đã có nhiều sáng kiến trong các hoạt động truyền thông và quảng bá hình ảnh, đặc biệt là hướng đến cả đối tượng nữ học viên và các nhóm yếu thế. Trong năm tới đây, Việt Nam sẽ tranh tài với đại diện từ hơn 60 nước khác trong cuộc thi Tay nghề Thế giới được tổ chức tại Kazan, Nga vào tháng 8/2019. Chương trình “Đổi mới và Đào tạo nghề Việt Nam” sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tham dự kỳ thi quan trọng này, đặc biệt là lần đầu tiên tham gia nghề “Kỹ thuật nước”. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ đạt thành tích cao, góp phần nâng cao hình ảnh GDNN như một lựa chọn nghề nghiệp với nhiều cơ hội.
Nhân dịp năm mới, tôi xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của các tổ chức trong nước và quốc tế trong suốt năm 2018 qua. Hy vọng năm 2019 cũng sẽ mang tới nhiều cơ hội và thành công mới. Chương trình “Đổi mới và Đào tạo nghề Việt Nam” cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực và đồng hành cùng các đối tác, hướng tới xây dựng một hệ thống GDNN chất lượng cho một nền kinh tế Việt Nam xanh và bền vững.
Cảm ơn và Chúc mừng năm mới