Từ ngày 02 đến ngày 07 tháng 12 năm 2019, khóa đào tạo mang tính nhân rộng đầu tiên với chủ đề “Cải tiến phương pháp dạy và học trong bối cảnh Công nghiệp 4.0” (Mô-đun 1) được thực hiện bởi hai giảng viên, thầy Phan Hồng Phương (LILAMA 2) và thầy Vương Đạo Nhân (Cao đẳng nghề Việt-Hàn) tại trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Đây là mô-đun đầu tiên trong năm mô-đun đào tạo được xây dựng bởi Chương trình Hợp tác khu vực về đào tạo nghề khu vực Đông Nam Á (RECOTVET) nhằm tăng cường năng lực và nâng cao kỹ năng cho các giảng viên GDNN thích ứng với những thay đổi của nền Công nghiệp 4.0 thông qua việc đổi mới phương pháp dạy và học, đảm bảo chất lượng cũng như phát triển chất lượng đào tạo.
Mô-đun 1 được tổ chức dành cho 12 giáo viên từ các cơ sở GDNN từ các tỉnh thành khác nhau, cụ thể là LILAMA 2, Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Long An và An Giang. Các giáo viên tham dự có cơ hội nâng cao chuyên môn của họ thông qua các nguyên tắc về chuyên ngành kỹ thuật và thực tế sáng tạo trong bối cảnh phát triển Công nghiệp 4.0 và Số hóa. Kiến thức sau đó sẽ được áp dụng vào chương trình giảng dạy và kế hoạch đào tạo với sự thích ứng linh hoạt tại chính các cơ sở GDNN.
Thầy Phan Hồng Phương, giảng viên đạt chứng nhận về năng lực đào tạo, đang thực hiện nhiệm vụ nhân rộng các mô-đun đào tạo tại LILAMA 2 phát biểu: “Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là hy vọng nhìn thấy được mỗi giáo viên có thể nhân rộng kiến thức và kỹ năng của mình tại chính các cơ sở GDNN mà họ đang giảng dạy.” Thầy cho biết thêm: “Tất cả các giảng viên GDNN đều có cơ hội tiếp cận các kiến thức và kỹ năng trong ba phần Lý thuyết và Thực hành (LWA) bao gồm 1) Mô hình mới: Những thay đổi của quy trình quản lý và quy trình công việc và hệ quả đối với lực lượng lao động trong bối cảnh nền Công nghiệp 4.0; 2) Hệ thống CPS I4.0, Tối ưu hóa hệ thống tự động hóa và hệ quả đối với lực lượng lao động và tính bảo mật; và 3) Lập kế hoạch cho các bài giảng và sử dụng các phương pháp tiếp cận thực tế đa chức năng để hiểu sâu về nền công nghiệp hiện đại/nền công nghiệp dựa trên kỹ thuật số. Ba phần LWA này có thể hỗ trợ tất cả những người tham dự xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo sao cho phù hợp với thực tế tại các trường dạy nghề của họ”.
“Trong suốt quá trình đào tạo, tôi đánh giá cao những nỗ lực tận tâm của các giảng viên khi chia sẻ kiến thức và kỹ năng quý giá với chúng tôi. Tôi mong muốn tiếp tục được tham dự Mô-đun 2 và 3”, thầy Lê Thanh Phương đến từ trường Cao đẳng nghề Long An chia sẻ ý kiến.
Cô Lê Thị Hồng Phương từ trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Tôi rất hài lòng khi học thêm được các phương pháp mô hình giảng dạy mới. Chúng tôi thực sự đã có một cơ hội tuyệt vời để tiếp cận các phương pháp tốt nhất trong sự phát triển của nền Công nghiệp 4.0. Hai giảng viên đã rất tích cực, chủ động chia sẻ ý tưởng và hỗ trợ chúng tôi hết mình trong suốt khóa đào tạo quan trọng này”.
Khóa đào tạo là một hoạt động được tổ chức thuộc phần Chức năng Bổ sung trong khuôn khổ “Hỗ trợ Trung tâm Xuất sắc về Đào tạo nghề (CoEs), là một hợp phần của Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình này được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), được thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ)) phối hợp với với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam (MoLISA).