TVET Vietnam

“Chung tay cải tạo xưởng thực hành và phòng thí nghiệm”

Từ ngày 11 đến 22 tháng 11 năm 2019, khóa tập huấn “Nâng cao năng lực Quản lý xưởng thực hành tại khoa Điện trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang” đã được tiến hành bởi chuyên gia phát triển Claus Bader đến từ chương trình “Chương trình Đổi mới và Đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ. Mục đích của khóa tập huấn nhằm huấn luyện chuyên sâu cho đội ngũ giáo viên khoa Điện về Quản lý xưởng thực hành dựa trên quy trình “5S” cũng như áp dụng thực tế 5S lên các phòng xưởng tại trường. Nâng cao các tiêu chuẩn an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp và phương pháp đào tạo thực hành cũng là một trọng tâm của khóa tập huấn. Tham gia tập huấn có 12 cán bộ giáo viên và 16 sinh viên của khoa Điện trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang.

Trong bài giảng lý thuyết ngày đầu tiên, ông Bader đã giới thiệu tới tất cả các học viên công cụ quản lý xưởng thực hành 5S cũng như phương pháp tập huấn 4 bước – một trong những phương pháp đào tạo thực hành phù hợp nhất trong giáo dục nghề nghiệp. Các giáo viên và sinh viên sau đó cùng trực tiếp tham gia vào quá trình cải tạo phòng/ xưởng thực hành thành những phòng mẫu chuẩn công nghiệp 5S an toàn và ngăn nắp.

Trong suốt hai tuần của khóa tập huấn, học viên liên tục thực hành phương pháp 5S, nhờ thế mà hiểu rõ 5S trong cả lý thuyết và thực hành, và có thể áp dụng 5S cho công việc sau này. Đồng thời chuyên gia phát triển Đức cũng áp dụng phương pháp 4 bước để hướng dẫn cho học viên thực hiện từng nhiệm vụ một cách bài bản. Chuyên gia phát triển cũng hướng dẫn các học viên tiến hành những biện pháp an toàn cụ thể như đánh dấu, dán nhãn, dọn ngăn nắp phong quang khu vực gần bình cứu hỏa và thoát hiểm, đồng thời cung cấp biển báo an toàn và tư vấn cho nhà trường để nâng cao chuẩn an toàn trên phạm vi toàn trường.

Sau khóa tập huấn 2 tuần, 4 phòng thí nghiệm và 1 xưởng thực hành đã được sắp xếp lại và trở nên hiệu quả an toàn hơn để thực hành và học tập so với lúc đầu. Những thiết bị cũ không sử dụng được loạt bỏ, thảm cao su được dùng để bảo vệ mặt bàn một cách chuyên nghiệp; các bàn học, tủ và học cụ được sắp xếp lại để có thêm không gian và tiện sử dụng; các thiết bị và học cụ được dán nhãn và cất trong tủ gọn gàng, sàn và các khu vực cần thiết được đánh dấu.

Phát biểu tại buổi lễ tổng kết, ông Trần Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang khẳng định: “Với những bài học quý giá về quản lý xưởng thực hành và sắp xếp xưởng thực hành, toàn bộ cán bộ nhân viên nhà trường cần tiếp thu và học tập, và rồi tiếp tục thực hiện ở các xưởng và phòng học khác.” Ông Trần Ngọc Nhật, trưởng bộ môn Điện-Điện tử cũng chia sẻ: “Nhờ có sự trao đổi cởi mở, mà các ý tưởng được nêu ra và thảo luận thật hiệu quả giúp tìm ra giải pháp tốt nhất để sắp xếp lại các phòng thật khoa học và hợp lý.”

Nói về khóa tập huấn, ông Claus Bader, Chuyên gia Phát triển Điện-Điện Tử GIZ nhấn mạnh: “5S là quy trình cần được tuân thủ thực hiện không chỉ trong 2 tuần tập huấn, mà cần được duy trì và tiếp tục như một phần thiết yếu của hoạt động dạy và học bởi vì 5S góp phần không nhỏ tạo nên một xưởng thực hành an toàn, ngăn nắp- một tiêu chí quan trọng để trở thành trường chất lượng cao. Điều này đòi hỏi sự tham gia và quyết tâm của toàn bộ cán bộ nhân viên nhà trường.”

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang được hỗ trợ bởi Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” để phát triển thành trường nghề chất lượng cao. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam (MoLISA).

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook