TVET Vietnam

Các đối tác thảo luận bài học kinh nghiệm từ các mô hình đào tạo hợp tác với doanh nghiệp thử nghiệp tại 5 cơ sở đào tạo nghề

Hà Nội, 20.01.2016,

Hội thảo “Các mô hình thí điểm hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề – từ kinh nghiệm đến hướng đi trong tương lai” được Tổng cục dạy nghề (TCDN) và Chương trình hợp tác Việt-Đức Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam – GIZ tổ chức ngày 20/1/2016 tại Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo TCDN và các vụ chức năng, lãnh đạo và cán bộ quản lý của năm trường cao đẳng nghề và đại học sư phạm kỹ thuật cùng các doanh nghiệp đối tác, đại diện Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp và hiệp hội và các chuyên gia Đức. Theo PGS TS. Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng TCDN, hội thảo đã tạo cơ hội để các bên liên quan trao đổi kinh nghiệm về hợp tác đào tạo với doanh nghiệp. Thực hiện mục tiêu không có khoảng cách giữa đào tạo nghề và sử dụng lao động, hợp tác đào tạo nghề với doanh nghiệp là mô hình chúng ta muốn vươn tới, mô hình này cần được áp dụng phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. TS. Sommer, Giám đốc Chương trình Hợp tác Việt-Đức Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam – GIZ, bổ sung tầm quan trọng của việc không “copy” hoặc “nhập khẩu” nguyên bản cách tiếp cận của Đức và việc không chỉ áp dụng mô hình hợp tác đào tạo ở các doanh nghiệp của Đức mà cần nhân rộng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Đại diện của năm trường cao đẳng nghề và đại học sư phạm kỹ thuật cùng các doanh nghiệp đối tác đã thảo luận những kinh nghiệm đa dạng trong triển khai thực hiện đào tạo hợp tác, các công cụ chỉ đạo, theo dõi hoạt động hợp tác, đánh giá kết quả học tập và cấp chứng chỉ cho học sinh. Ông Hân, trưởng phòng Hợp tác quốc tế Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên nhấn mạnh những yếu tố quyết định sự thành công của hợp tác đào tạo kỹ thuật viên cơ điện tử tại các doanh nghiệp Đức, bao gồm sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong các khâu, sự phân định rõ ràng các nội dung đào tạo tại trường và tại doanh nghiệp, áp dụng linh hoạt cơ chế chính sách về đào tạo, đào tạo các giảng viên có năng lực nghề nghiệp và năng lực sư phạm và các cán bộ hướng dẫn có năng lực tại các doanh nghiệp, huy động sự tham gia của các công ty và Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (AHK) vào quá trình đánh giá kết quả học tập và cấp chứng chỉ. Ông Tiệp, phó hiệu trưởng Trường CĐN Bách nghệ Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong đào tạo nghề cắt gọt kim loại, từ khâu ký kết hợp đồng hợp tác, tập huấn cho giáo viên tại doanh nghiệp đến tổ chức thi và cấp chứng chỉ học nghề. Trong quá trình hợp tác, các doanh nghiệp đã khẳng định rằng các học sinh đã đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Các Trường CĐN LILAMA 2, Trường CĐN Kỹ thuật và Công nghệ TP Hồ Chí Minh và Trường CĐN Cơ giới và Thủy lợi đã chia sẻ kinh nghiệm về các cách tiếp cận khác nhau trong hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo. Ông Huệ, Tổng giám đốc Công ty Bosch Việt Nam đã đưa những minh họa cụ thể về chương trình hợp tác đào tạo nghề cơ điện tử của Bosch và LILAMA 2 ở Đồng Nai. Việc đào tạo 70% thời gian tại doanh nghiệp đã cung cấp cho học sinh những kỹ năng theo yêu cầu của công ty, đáp ứng yêu cầu đối với lao động tay nghề cao.

Các tham dự viên hội thảo đều nhận thức rõ ích lợi của đào tạo nghề hợp tác với doanh nghiệp, đồng thời cũng nhấn mạnh những thử thách gặp phải trong quá trình triển khai thành công và bền vững mô hình đào tạo này. Làm sao để việc học tập của học sinh trong quá trình sản xuất tại doanh nghiệp phải gắn kết vào chương trình đào tạo, giúp học sinh nâng cao kỹ năng nghề thay vì bị sử dụng như nguồn lao động rẻ; Nâng cao kỹ năng tiếng Anh của học sinh; Thuyết phục các doanh nghiệp về ích lợi của hợp tác đào tạo, tăng thêm số lượng doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề.

Các tham dự viên hội thảo đã thảo luận tích cực về các giải pháp cải tiến, phát triển mô hình đào tạo hợp tác và đề xuất các bước đi cụ thể nhằm hoàn thiện các cách tiếp cận hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Nhiều bài học quan trọng đã được đúc kết, những biện pháp hữu hiệu đã được đề ra nhằm thu hút khu vực kinh tế và các doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề. Kết thúc hội thảo TS. Sommer nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể hiện yêu cầu của doanh nghiệp trong xây dựng tiêu chuẩn nghề, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp với tư cách là một chủ thể đào tạo trong đánh giá kết quả học tập, đảm bảo đào tạo nghề được thực hiện ngay tại nơi làm việc tương lai của người thợ lành nghề. Sự linh hoạt trong việc thử nghiệm các mô hình khác nhau sẽ cho phép chúng ta tìm ra mô hình hợp tác đào tạo phù hợp nhất cho Việt Nam và phát triển, nhân rộng trong tương lai.

Quí vị có thể tải về tài liệu tham vấn hội thảo tại đây.

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook