TVET Vietnam

Các công cụ quản lý chất lượng cải thiện chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2017 – Cục Kiểm định Chất lượng Giáo dục Nghề nghiệp (Cục Kiểm định CLGDNN/Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục GDNN) và chương trình hợp tác Việt Đức “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” phối hợp tổ chức Hội thảo “Lồng ghép các công cụ quản lý chất lượng vào hệ thống đảm bảo chất lượng (Kết quả giai đoạn 1) – Nhân rộng các công cụ quản lý chất lượng (giai đoạn 2). Hội thảo có sự tham dự của đại diện đến từ Tổng cục GDNN, 29 cơ sở GDNN từ khắp Việt Nam, Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam và đại diện của các tổ chức quốc tế khác. Mục đích của hội thảo nhằm tổng kết các kết quả hoạt động lồng ghép các công cụ quản lý chất lượng (nghiên cứu lần vết, khảo sát doanh nghiệp và quản lý xưởng thực hành) vào hệ thống đảm bảo chất lượng và khởi xướng áp dụng nhân rộng các công cụ này tại các trường trong hệ thống.

Trong bài phát biểu khai mạc của mình, TS. Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN đánh giá cao các kết quả đạt được từ hoạt động lồng ghép ba công cụ quản lý chất lượng vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong khi  nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng nhân rộng các công cụ này tại 18 cơ sở GDNN trong giai đoạn 2 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và thúc đẩy hội nhập quốc tế. TS. Dũng cũng nhấn mạnh rằng vấn đề đảm bảo chất lượng GDNN đang được chính phủ Việt Nam rất quan tâm.  Nghị Quyết số 19-NQ/TW hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung Ương khóa XII về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” có đề cấp đến quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN. Bởi vậy, chất lượng đào tạo sẽ vô cùng quan trọng đối với sự sống còn trong tương lai của các cơ sở GDNN.

Sau hai năm rưỡi triển khai hợp tác, lãnh đạo và các cán bộ triển khai các công cụ quản lý chất lượng tại tám cơ sở GDNN đã phản hồi rất tích cực về tác động của việc áp dụng các công cụ này tại trường của họ. Thầy Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế đã chia sẻ “khảo sát doanh nghiệp không chỉ giúp trường chúng tôi cải thiện chất lượng đào tạo dựa trên những minh chứng xác thực mà áp dụng công cụ này còn tạo dựng được lòng tin của doanh nghiệp đối với trường của chúng tôi.” Thầy Phan Huy Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp Vĩnh Phúc chia sẻ “Công cụ nghiên cứu lần vết thực sự là một công cụ quảng bá hiệu quả và chi phí rất thấp. Công cụ này giúp chúng tôi thiết lập được mối quan hệ đa chiều giữa nhà trường, học viên tốt nghiệp và doanh nghiệp”. Về tác động từ việc áp dụng công cụ quản lý xưởng thực hành, thầy Nguyễn Hồng Tiến, Phó trưởng khoa cơ khí Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA2 chia sẻ “áp dụng phương pháp 5 S đã làm thay đổi thói quen làm việc chưa khoa học và nâng cao nhận thức của giáo viên và học viên”. Rất nhiều các sáng kiến và bài học kinh nghiệm cho việc triển khai bền vững các công cụ này đã được thảo luận trong hội thảo. TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Kiểm định CLGDNN nhấn mạnh tầm quan trọng của các công cụ này và khẳng định tác động của chúng ở cấp hệ thống GDNN vì các công cụ này đã được lồng ghép vào Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH mới được ban hành về quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Kết thúc hội thảo, một chương trình triển khai các công cụ quản lý chất lượng trong năm 2018 tại tất cả các cơ sở GDNN tham gia đã được thống nhất với sự cam kết cao từ tất cả các bên liên quan.

Bế mạc hội thảo, Bà Britta van Erckelens, Phó giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam đã nhấn mạnh việc áp dụng các công cụ quản lý chất lượng này thực sự cho thấy cải thiện chất lượng đào tạo nhờ mối liên kết giữa nhà trường và khối kinh tế (doanh nghiệp). Bà Britta van Erckelens hy vọng các kết quả tích cực đã đạt được cho tới nay sẽ tạo động lực cho giai đoạn tiếp theo nhằm nhân rộng công cụ này ở cấp hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Tiếp theo hội thảo, một khóa đào tạo chuyên sâu giành cho các cán bộ hạt nhân về nghiên cứu lần vết và khảo sát doanh nghiệp đã được tổ chức tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ triển khai trở thành giáo viên của các khóa đạo tạo về nghiên cứu lần vết và khảo sát doanh nghiệp trong tương lai.

TIN TỨC KHÁC

Share on print
Share on email
Share on facebook