“Thưa các nhà giáo và cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Các đồng chí đang nắm giữ chìa khóa tạo nên sự đổi thay và nâng cao chất lượng đào tạo định hướng theo thị trường lao động”, Bà Nguyễn Thị Hằng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và hiện nay là Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và nghề Công tác Xã hội đã nhấn mạnh trong “Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2020”. Hội nghị được tổ chức vào ngày 25/08/2017 với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (TCGDNN), một số Ủy ban Nhân dân Tỉnh, các bộ chủ quản, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Mục đích của Hội nghị là sơ kết giai đoạn ba năm triển khai Quyết định số 761/QĐ-TTg – Quyết định có nêu 6 tiêu chí mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đạt để được công nhận là Trường nghề chất lượng cao. Danh sách kèm theo Quyết định có nêu 45 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn để đầu tư trở thành Trường nghề chất lượng cao. Tính thực tiễn của các tiêu chí này là trọng tâm của quá trình chỉnh sửa do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giao cho TCGDNN thực hiện và TCGDNN giao cho Cục Kiểm định Chất lượng Giáo dục Nghề nghiệp triển khai nhiệm vụ này. Quá trình chỉnh sửa tiêu chí trong Quyết định 761/QĐ-TTg đang được hỗ trợ trong khuôn khổ Hợp tác Việt – Đức “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” – Chương trình do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện theo sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên Bang Đức (BMZ).
Trong khuôn khổ Hợp tác Phát triển Việt-Đức, phát triển Trường nghề chất lượng cao là một trọng tâm hỗ trợ từ năm 2010. Bản đề cương về Trường nghề chất lượng cao/Trung tâm xuất sắc về đào tạo nghề (CoE) được TCGDNN và GIZ cùng phát triển vào năm 2011 là nền tảng cho các hoạt động thí điểm hiện nay tại hai cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA2 và Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II -HCM. Ngoài ra, bản đề cương cũng là cơ sở hỗ trợ tại Trường Cao đẳng Cơ giới Thủy lợi Đồng Nai (VCMI). Bản đề cương nêu bật hai chức năng của Trường nghề chất lượng cao/ CoE. Hai chức năng này đã được TS. Horst Sommer, Giám đốc “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” trình bày và được tái khẳng định bởi các đại biểu cấp cao tại Hội thảo về phát triển 45 Trường nghề chất lượng cao/CoE tổ chức ở Đà Lạt năm 2013:
Chức năng 1: Cung cấp các khóa đào tạo ban đầu và đào tạo nâng cao có chất lượng cao, phù hợp với việc làm và theo chuẩn quốc tế
Chức năng 2: Thực hiện các công việc bổ sung cho Hệ thống Giáo dục Nghề nghiệp của Việt Nam (gồm cả việc cung cấp các khóa bồi dưỡng cho nhà giáo và là trung tâm đánh giá và cấp chứng chỉ)
Trong khuôn khổ chỉnh sửa Quyết định 761/QĐ-TTg hiện nay và dựa vào các chức năng này, Cục Kiểm định Chất lượng Giáo dục Nghề nghiệp phối hợp cùng GIZ và Cơ quan Hợp tác Phát triển Hàn Quốc (KOICA) đã phát triển và thí điểm thành công một bộ tiêu chí trong những tháng vừa qua. Đặc biệt, bộ tiêu chí tập trung vào sự tham gia của khối kinh tế (doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề) như TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Kiểm định Chất lượng Giáo dục Nghề nghiệp đã trình bày trong Hội nghị và được các đại biểu đồng tình.
Trong bài trình bày của mình, Bà Britta van Erckelens, Phó giám đốc “Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” đã đề cập đến năm yếu tố thành công của đào tạo nghề của Đức và giải thích rằng khối kinh tế cần tham gia vào việc phát triển tiêu chuẩn nghề và chương trình đào tạo. Ngoài ra, khối kinh tế cần đóng một vai trò quan trọng trong việc triển khai đào tạo, đánh giá và thi cử. Bà đã thu hút sự chú ý của đại biểu đến cách tiếp cận đào tạo hợp tác bằng cách nêu lên các kinh nghiệm từ các hoạt động thí điểm tại hai cơ sở giáo dục nghề nghiệp – Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA2 và Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II. Các bài học kinh nghiệm chỉ ra rằng việc phát triển một Trường nghề chất lượng cao cần cả một quá trình thời gian và công sức về nhân lực. Theo kinh nghiệm của Đức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung chuyên môn hóa ở một số lĩnh vực nghề nhất định, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp để đảm bảo việc hợp tác hiệu quả.
Bộ tiêu chí được phát triển là một bước quan trọng hướng tới sự đột phát về chất lượng đào tạo nghề vì ở đó sự kết hợp chặt chẽ với khối kinh tế trong đào tạo nghề được thể hiện mạnh mẽ. “Điều này”, Bà Britta van Erckelens đồng ý với Bà Nguyễn Thị Hằng, “là rất quan trọng vì đó là những kỹ năng của các học viên tốt nghiệp được định hướng theo nhu cầu. Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh rằng sự tự chủ và tính linh hoạt cần thiết của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để hợp tác với khối kinh tế không nên bị mẫu thuẫn bởi các quy định làm cản trở sự hợp tác này.
Các đại biểu đã thể hiện sự quan tâm của mình tới bài trình bày và cách tiếp cận rất thiết thực. TS. Nguyễn Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên cho biết “Bài trình bày có nhiều ý tưởng thực tiễn. Giờ đây, tôi có thể thấy rõ hơn Trường nghề chất lượng cao và Trung tâm xuất sắc về Đào tạo nghề cần đạt được cái gì”.
Kết luận, TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp chia sẻ rằng những kinh nghiệm này sẽ được xem xét trong bản chỉnh sửa tiêu chí 761/QĐ-TTg và sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10 năm 2017.