TVET Vietnam

Bô trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị LILAMA 2 chia sẻ những kinh nghiệm thành công để phát triển chiến lược Đổi mới Giáo dục Nghề nghiệp đến năm 2020

Hôm nay, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đến thăm và làm việc tại trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 tại Đồng Nai. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng Ông Trương Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề đã được giới thiệu về các Chương trình đào tạo chất lượng cao tại trường LILAMA 2. Trong chuyến thăm, Bộ trưởng đã trao đổi với TS. Lê Văn Hiền – Chủ tịch Hội đồng trường, Ông Nguyễn Khánh Cường – Hiệu trưởng cũng như đội ngũ giáo viên và sinh viên nhà trường. Bộ trưởng cũng đã đi thăm các xưởng thực hành cho các nghề Cắt gọt Kim loại – CNC và Điện tử Công nghiệp của LILAMA 2.

Tăng cường hợp tác với khối doanh nghiệp là trọng tâm chính của Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam trong khuôn khổ Hợp tác Phát triển Việt – Đức. Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đã hỗ trợ LILAMA 2 trong việc phát triển các bộ Tiêu chuẩn nghề và Chương trình đào tạo tương ứng cho các nghề Điện tử Công nghiệp, Cơ điện tử, Cơ khí Xây dựng và Cắt gọt Kim loại-CNC với sự tham gia của 52 doanh nghiệp và 4 Hiệp hội chuyên môn. Các Phòng Thủ Công nghiệp (HWK) Potsdam và Erfurt đã chứng nhận các bộ Tiêu chuẩn nghề đã phát triển tương đương với Tiêu chuẩn nghề của Đức. Tương tự, các Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên các bộ Tiêu chuẩn nghề này cũng được chứng nhận tương đương với các chương trình đào tạo của Đức.

Trong giai đoạn tiếp theo, LILAMA 2 sẽ được hỗ trợ bởi GIZ để xây dựng quan hệ hợp tác có hệ thống với doanh nghiệp nhằm triển khai các Chương trình đào tạo phối hợp, trong đó đào tạo thực hành được thực hiện tại doanh nghiệp, đào tạo lý thuyết và một phần đào tạo thực hành kỹ năng nghề được thực hiện tại các xưởng hiện đại của LILAMA 2. Hiện tại, khoảng 100 học viên của LILAMA2 đang tham gia các chương trình đào tạo phối hợp. Đội ngũ giáo viên của LILAMA 2 và cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp thường xuyên được tập huấn nâng cao nhằm đảm bảo chất lượng cao và đào tạo định hướng thực hành. Bài học kinh nghiệm từ các chương trình thí điểm này sẽ được phản hồi về cấp hệ thống.

TS. Hiền nhấn mạnh: “Để triển khai thành công hợp tác với khối doanh nghiệp như vậy, tính tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là rất cần thiết. Một cơ chế hợp lý để thực hiện tự chủ cần được xây dựng nhằm tránh làm hạn chế tính linh hoạt của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”

Ấn tượng với những kết quả đạt được của LILAMA 2, một cơ sở tiên phong trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Dung đã đề nghị LILAMA 2 chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác để giúp họ cùng phát triển. Ngoài ra, các bài học kinh nghiệm liên quan hợp tác với khối doanh nghiệp và tự chủ, hai trong số các yếu tố thành công của LILAMA 2 mà TS. Hiền đề cập, cần được chia sẻ với cấp chính sách như là thông tin đầu vào có giá trị cho việc phát triển Chiến lược Giáo dục Nghề nghiệp đến năm 2020, nhằm nâng cao chất lượng lực lượng lao động của quốc gia bằng việc quan tâm tới nhu cầu của những người sử dụng lao động trong tương lai.

TIN TỨC KHÁC