TVET Vietnam

“Ngày Chuyển đổi số” tại Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận (NTVC)

Nhằm thúc đẩy văn hóa số, ghi nhận những thành tựu và thay đổi trong quá trình triển khai chuyển đổi số (CĐS) trong năm 2023, NTVC đã phối hợp với Chương trình Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam TVET- GIZ tổ chức “Ngày Chuyển đổi số tại NTVC” ngày 28/10/2023.

Sự kiện đã tạo diễn đàn để cán bộ, giáo viên trình bày, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến đối với kết quả thực hiện các hoạt động CĐS của NTVC trong năm 2023 cũng như kế hoạch Chuyển đổi số sẽ triển khai trong thời gian tới.

Ngày Chuyển đổi số thu hút khoảng 50 đại biểu, bao gồm lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo các phòng ban và các khoa, tập thể cán bộ, giáo viên của NTVC và phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận.

Tại sự kiện, Thầy Trần Trung Dũng – Hiệu phó NTVC đã có phát biểu trình bày kết quả triển khai các hoạt động CĐS tại NTVC do GIZ hỗ trợ thực hiện trong năm 2023 như: tổ chức hội thảo nhằm trao đổi, đánh giá về điều kiện hạ tầng Công nghệ thông tin cho CĐS; chia sẻ các kinh nghiệm trong quản lý dạy và học; khai thác vận hành các nền tảng số; triển khai các khóa đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao năng lực số cho cán bộ và giáo viên… Các hoạt động này đã góp phần tác động tích cực đến nhận thức về CĐS của cán bộ, giáo viên trong trường; tạo động lực cho cán bộ, giáo viên cũng cố, phát huy các năng lực hiện tại và cải thiện các điều kiện hiện có.

Thực tế cho thấy sự thay đổi tích cực nhất là kỹ năng xây dựng bài giảng số trên LMS của giáo viên được cải thiện đáng kể (cấu trúc bài học chặt chẽ, xác định tốt chuẩn đầu ra, có tính tương tác cao, đạt cấp độ 4 theo chuẩn soạn bài giảng số…); một số giáo viên có năng lực tốt, được xem là nhân tố nổi trội có khả năng thực hiện nhân rộng các hoạt động xây dựng năng lực cho tập thể cán bộ, giáo viên trong thời gian tới; đội ngũ cán bộ quản lý xác định được các nội dung quan trọng cần thực hiện trong công tác quản lý, trong đó có việc nghiên cứu, ban hành các quy định, chính sách nhằm khuyến khích, động viên kịp thời cũng như có chế tài để đảm bảo mọi hoạt động giảng dạy, quản lý được triển khai tốt trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của nhà trường.

Tham gia “Ngày chuyển đổi số”, một số cán bộ và giáo viên từ phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, các khoa: Công nghệ Ô tô, Kinh tế – Tổng hợp, Điện – Điện tử đã có nội dung trình bày về (1) Ứng dụng bài giảng số (trên nền tảng LMS) trong giảng dạy thực hành, tích hợp nghề công nghệ Ô tô; (2) Hiệu quả trong sử dụng bài giảng số (trên nền tảng LMS) trong giảng dạy môn Chính trị (môn lý thuyết); (3) Ứng dụng video tương tác, mô phỏng trong dạy học nghề công nghệ Ô tô; (4) Ứng dụng Claude AI trong dạy, học và nghiên cứu khoa học đối với giáo viên và sinh viên; (5) Kế hoạch triển khai bài giảng số trên nền tảng LMS tại Khoa Điện – Điện tử; (6) Định hướng ứng dụng số trong trong công tác Khảo thí – Đảm bảo chất lượng viên. Các bài trình bày trên đã thu hút nhiều sự quan tâm của đại biểu tham dự vì đúng tình hình thực tế và phù hợp với điều kiện, nhu cầu của giáo viên ở thời điểm hiện tại.

Trần Trung Dũng nhận xét thêm “Điều Tôi lấy làm mừng và đáng ghi nhận đó là sự tiến bộ về kỹ năng xây dựng bài giảng số của giáo viên vì nội dung, hình thức và các tính năng được ứng dụng trong bài trình bày là rất tốt, vượt ngoài mong đợi. Có thể thấy, việc xây dựng bài giảng số ngay trên nền tảng LMS cho các module lý thuyết, kết hợp, thực hành, mô phỏng…, có xác định đúng chuẩn đầu ra môn học và ứng dụng thành thạo các tính năng của nền tảng Moodle và các phần mềm tiên tiến khác sẽ giúp nâng cao chất lượng bài giảng, thu hút sự tập trung, tăng tính tương tác giữa người dạy và người học, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học”.

Tuy nhiên, ngoài các kết quả đạt được, cũng có một số ý kiến đóng góp liên quan đến những hạn chế cần khắc phục sớm; đồng thời, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đến lãnh đạo trường để việc triển khai kế hoạch CĐS trong thời gian tới tại trường được hiệu quả hơn, cụ thể như (i) Hạ tầng Công nghệ thông tin (sử dụng các nền tảng quản lý hiệu quả hơn, sớm đầu tư trang thiết bị hỗ trợ giáo viên xây dựng bài giảng số, trang bị thêm máy tính để phục vụ cho công tác dạy và học, nâng cấp hệ thống wifi để kết nối tốt hơn…); (ii) công tác quản lý chung, quản lý dạy và học của trường, như: triển khai đồng bộ các hoạt động chuyển đổi số trong nhà trường; đầu tư/điều chỉnh/cập nhật thêm các tính năng nhằm tăng tính hiệu quả của các nền tảng số trong quản lý dạy và học; triển khai hiệu quả nền tảng quản lý chung hiện tại như TDOffice – SmartEOS (chữ ký số, lưu trữ tài liệu…); thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo tại chỗ nhằm tiếp tục cũng cố và nâng cao năng lực số cho giáo viên toàn trường; cần nghiên cứu và sớm ban hành thêm các quy định, chính sách, tạo thêm động lực giữa các khoa và nâng cao tính gương mẫu của lãnh đạo khoa, bộ môn trong xây dựng bài giảng số cũng như hướng dẫn giáo viên trong khoa chọn lựa module phù hợp để soạn bài giảng số nhằm nâng cao chất lượng bài giảng; thường xuyên cập nhật trang web của trường….

Trên cơ sở các kết quả đạt được, để tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện các hoạt động CĐS tốt hơn nữa trong năm 2024 và thời gian tới, NTVC xác định một số định hướng sau:

– Về Hạ tầng Công nghệ thông tin: NTVC sẽ có kế hoạch (i) đầu tư nền tảng quản lý: quản lý tuyển sinh, giáo viên và sinh viên, dạy và học; học phí (thanh toán trực tuyến, hóa đơn điện tử); tài sản, công suất làm việc, thời khóa biểu, lịch thi, thời gian giảng dạy, báo cáo (theo thời gian giảng dạy thực tế); (ii) Thiết lập và đưa hồ sơ điện tử của giáo viên vào quản lý; thiết lập và trang bị studio để tiếp cận tốt hơn; (iii) Đầu tư máy tính xách tay/PC và lưu giữ tại thư viện để đáp ứng yêu cầu của học sinh và giáo viên;

– Về công tác Quản lý: (i) Ứng dụng hiệu quả các nền tảng quản lý hiện tại của TDOffice – SmartEOS; (ii) Ban hành quy trình giải quyết công việc được phân công thông qua nền tảng SmartEOS; (iii) Ban hành các thể chế, quy định liên quan đến chuyển đổi số.

– Về công tác Dạy – Học: NTVC sẽ (i) ứng dụng hồ sơ điện tử của giáo viên trên hệ thống quản lý;Tổ chức một số cuộc thi sáng tạo bài giảng số cấp đại học trên LMS; (ii) Đặt hàng bài giảng số (cấp độ 4: có video tương tác) từ giáo viên; (iii) Ban hành quy định và có chế tài liên quan đến việc đưa bài giảng số vào giờ giảng dạy; (iv)Tiếp tục thúc đẩy quá trình tự học chuyển đổi số trên nền tảng Atingi do GIZ xây dựng và chứng chỉ khóa học là cơ sở để cán bộ và giáo viên được xem xét thi đua khen thưởng vào cuối năm.

“Ngày Chuyển đổi số tại NTVC” được xem là sự kiện đánh dấu việc khép lại các hoạt động chuyển đổi số do GIZ hỗ trợ, phối hợp NTVC triển khai khá thành công trong năm 2023. Đây cũng là dịp để GIZ và trường đối tác cùng nhau nhìn lại, có đánh giá cũng như tìm ra các giải pháp thúc đẩy công tác chuyển đổi số tại NTVC, làm cơ sở xây dựng kế hoạch hoạt động chuyển đổi số năm 2024 và thời gian tới.

Share on print
Share on email
Share on facebook