TVET Vietnam

“Nguồn lực lớn nhất của Việt Nam là con người”

Nâng cao quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp là trọng tâm để phát triển nền kinh tế và sự đồng hành của doanh nghiệp là nhân tố quyết định”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đẳng định trong Diễn đàn Quốc gia “Nâng tầm kỹ năng nghề Quốc gia”. Đây là sự kiến lớn nhất từ trước đến nay về kỹ năng nghề, do Bộ LĐTB&XH khi kết hợp các Bộ ngành của Trung ương, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng ngày 16/11 tại Hà Nội.

GDNN cần gắn với thực tiễn để bắt kịp những yêu cầu của bối cảnh mới

Năm 2019, Chất lượng đào tạo nghề nghiệp Việt Nam tăng tới 13 bậc, năng lực cạnh tranh chung của Việt Nam tăng 10 bậc, xếp thứ 67/141 nền kinh tế toàn cầu. Riêng đối với GDNN ở Việt Nam đã xác định 130 nghề trọng tâm, 40 trường trọng điểm, bình quân 85% sinh viên sau khi tốt nghiệp trường nghề có việc làm.  Đây là những tín hiệu đáng khích lệ cho thấy hoạt động giáo dục nghề nghiệp đang phát triển đúng hướng, song vẫn tồn tại nhiều thách thức. Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, hệ thống GDNN còn vá víu và thiếu đồng bộ.

Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ đang hàng ngày hàng giờ thay đổi cuộc sống, công tác đào tạo nguồn nhân lực càng cần nhaỵ bén và gắn chặt với thực tiễn. Do đó, “Sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng lực lượng lao động là thực sự cần thiết để tránh lãng phí các nguồn lực trong xã hội, nâng cao hiệu quả đào tạo. Ở vai trò là người sử dụng lao động, doanh nghiệp sẽ có những đóng góp thiết thực nhất vào các bước hoàn thiện quy trình, nội dung giáo dục nghề nghiệp”, Bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Vietjet chia sẻ.

Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN

“Chỉ khi khu vực doanh nghiệp trở thành động lực chính thì GDNN mới có bước chuyển mình mạnh mẽ”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định. Theo ông, để nâng cao chất lượng đào tạo, các doanh nghiệp cần thực hiện 5 đồng hành với nhà trường: Đầu tư, Đặt hàng định hướng đào tạo, Tham gia giảng dạy, Thẩm định đầu ra, Tuyển dụng nguồn nhân lực.

Kinh nghiệm từ những nước tiên tiến cũng có thấy, sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp là giải pháp để tăng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Ví dụ ở CHLB Đức, cả nhà trường và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nghiệm trong công tác đào tạo. Theo đó, sinh viên dành 30% học lý thuyết tại cơ sở GDNN và 70% thực hành tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia vào các khâu từ xây dựng tiêu chuẩn nghề, chương trình đào tạo đến triển khai và đánh giá đào tạo. TS. Juergen Hartwig, Giám đốc Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam-GIZ cho biết mô hình đào tạo phối hợp, học hỏi từ mô hình đào tạo kép của Đức, đang được triển khai thành công tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, thành phố Hồ Chí Minh, và Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2, chứng minh được rằng đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu và hiệu quả.

TS. Hartwig cũng đề xuất hai giải pháp quan trọng để gắn kết đào tạo với thực tiễn, đầu tiên là cần xây dựng hệ thống  người đào tạo tại doanh nghiệp, là người lao động có tay nghề, chuyên môn cao, thợ cả, quản đốc, quản lý… của doanh nghiệp được bồi dưỡng kỹ năng sư phạm và cấp chứng chỉ. Người đào tạo trong doanh nghiệp là chìa khóa để gắn kết đào tạo với công việc thực tế tại doanh nghiệp và bảo đảm chất lượng đào tạo trong doanh nghiệp. Thứ hai, mô hình Hội đồng kỹ năng ngành chính là cơ chế cụ thể để  doanh nghiệp tham gia vào tất cả các khâu trong GDNN từ tham vấn chính sách, xây dựng tiêu chuẩn, chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo đến đánh giá chất lượng đầu ra và cấp văn bằng chứng chỉ. Mới đây, Bộ LĐ-TBXH đã quyết định phê duyệt đề án thí điểm thành lập Hội động kỹ năng nghề thuộc ngành Du lịch – Khách sạn theo đề xuất của Chính phủ Úc và đề án thí điểm thành lập Hội động kỹ năng nghề thuộc ngành Nông nghiệp theo đề xuất của Tổ chức Lao động quốc tế ILO. Mô hình này cần được triển khai ở nhiều ngành và đặc biệt cần có cơ chế hội đồng điều phối GDNN ở cấp Quốc gia để thực hiện tham vấn chính sách cấp vĩ mô và điều phối các hội đồng kỹ năng ngành.

Phát huy vai trò Nhà nước-Nhà trường và Doanh nghiệp trong định hướng và thúc đẩy GDNN

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Nhà nước-Nhà trường-Doanh nghiệp trong định hướng và thúc đẩy GDNN, trong đó doanh nghiệp là yếu tố then chốt. Thủ tướng đánh giá  cao những ý kiến, kinh nghiệm của các đại biểu, đặc biệt là 11 bài tham luận được trình bày tại Diễn đàn. Đây sẽ là những đóng góp có giá trị để Bộ LĐ-TB&XH cùng với các bộ ngành liên quan soạn thảo và sớm trình Thủ tướng Chính phủ một Chỉ thị về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng.

Định hướng phát triển Giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần đảm bảo ba nguyên tắc sau:

  • Bám sát nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hoà cung cầu về lao động có kỹ năng nghề, gắn kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thông qua các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp.
  • Phát triển đào tạo nghề có chuẩn mực chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
  • Nâng cao tính dự báo, nắm bắt nhanh nhạy nhu cầu nhân lực kỹ năng cao của doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng hợp tác doanh nghiệp, nhà trường.

Diễn đàn khép lại với nghi thức thể hiện cam kết Nhà nước-Nhà trường-Doanh nghiệp hướng tới mục tiêu  nâng tầm kỹ lao động Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác vì một lực lượng lao động Việt Nam chất lượng và cạnh tranh.

 

TIN TỨC KHÁC