TVET Vietnam

NGƯỜI KHUYẾT TẬT HỌC CƠ ĐIỆN TỬ

Mỗi ngành, mỗi nghề có chuẩn nghề nghiệp riêng, làm căn cứ cho cơ sở giáo dục, giảng viên, doanh nghiệp và học viên. Chuẩn nghề nghiệp là một hệ thống năng lực cần có. Sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu những kiến thức, kĩ năng và thái độ mà một người lao động cần để phát triển trong ngành nghề cơ điện tử và với người khuyết tật, nhóm luôn được cho là “yếu thế” hơn khi tham gia vào một ngành nghề đặc thù và đầy tính kỹ thuật như cơ điện tử, cần trang bị những kỹ năng gì?

Cơ điện tử là nghề gì? 

Không thể phủ nhận với tốc độ công nghệ hóa ngày càng nhanh, các công ty và tập đoàn muốn bắt kịp với thời đại và không bị bỏ lại phía sau, cần sự thích ứng kịp thời với các công nghệ mới và đặc biệt là cơ điện tử.Cơ điện tử không chỉ đơn thuần tạo ra máy móc, thiết bị phục vụ con người mà còn giải quyết bài toán nguồn nhân lực khi  giá cả nguồn nhân công ngày một cao, tăng tính cạnh tranh về chất lượng và số lượng sản phẩm đầu ra. Đặc biệt, cơ học điện tử giải quyết mọi vướng mắc về trình độ con người, giúp chuyển đổi sang công nghệ thông minh nhanh chóng, dễ dàng.

Hình 1: Mô hình các lĩnh vực cấu thành ngành Cơ điện tử 

(Nguồn: Rensselaer Polytechnic Institute)

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng thiết kế, sáng tạo các sản phẩm cơ điện tử: máy móc, thiết bị, các hệ thống, dây chuyền sản xuất tự động; có khả năng tiếp cận, khai thác, ứng dụng các sản phẩm cơ điện tử của các nước tiên tiến trên thế giới và vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, kế thừa, phát triển trên cơ sở các sản phẩm đã có.

Các sản phẩm cơ điện tử thường là các sản phẩm cuối cho người dùng (end-user products), ví dụ như các đồ dùng, thiết bị gia dụng được chế tạo hàng loạt, hoặc các sản phẩm chất lượng cao như ôtô, máy bay, tên lửa, tàu vũ trụ, thiết bị y tế, các bộ phận cơ thể nhân tạo thay thế cho con người…

Các ngành chính của Cơ điện tử?

Bao gồm Kỹ sư tự động hóa, kỹ thuật viên điện tử, kỹ sư điện- tự động hoá, kỹ sư thiết kế hệ thống điện.

Cơ hội nghề nghiệp của ngành Cơ điện tử?

Do hiện nay ở nước ta có nhiều doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân đẩy mạnh sử dụng ứng dụng công nghệ trong các dây chuyền sản xuất, cho nên nhu cầu nhân lực cho ngành Cơ điện tử ngày càng có chiều hướng gia tăng với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Sinh viên tốt nghiệp chương trình kỹ sư ngành kỹ thuật cơ điện tử có thể làm các công việc như:

  • Thiết kế, tư vấn thiết kế, triển khai công nghệ, quản lý sản xuất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm cơ điện tử tại các doanh nghiệp, nhà máy thuộc lĩnh vực cơ điện tử và robot hoặc các lĩnh vực có liên quan như kỹ thuật tự động hóa, kỹ thuật điện – điện tử, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật cơ khí hàng không/ôtô, kỹ thuật y học.
  • Làm việc tại các nhà máy có các hệ thống, dây chuyền tự động như nhà máy xi măng, nhà máy cơ khí chế tạo, các công ty sản xuất các thiết bị vận chuyển hàng hóa; các nhà máy lắp ráp ô tô, xe máy như Honda, Toyota, Vinfast; các nhà máy sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện máy như Bosch, Samsung, Canon, Panasonic; các nhà máy chế biến hàng tiêu dùng Unilever, P&G.
  • Làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực đào tạo của ngành;
  • Giảng dạy và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực cơ điện tử và robot tại các cơ sở đào tạo và viện nghiên cứu;
  • Tự thành lập doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm cơ điện tử và robot, cơ khí chế tạo máy, tự động hóa.

Thu nhập của ngành Cơ điện tử?

Theo ước tính, mức lương trung bình của Kỹ sư cơ điện tử rơi vào khoảng 15 triệu đồng/thán, với mức lương thấp nhất khi mới ra trường là 6 triệu/tháng và mức lương cao nhất có thể lên đến 32 triệu đồng/tháng hoặc hơn. Tuy nhiên tùy vào từng ngành nghề, phân loại của Kỹ sư cơ điện tử và kinh nghiệm làm việc, người lao động sẽ có những mức lương khác nhau. (Nguồn: timviec365.com.vn)

Cơ hội nào cho người khuyết tật?

Mặc dù hình ảnh người không khuyết tật gắn liền với cơ điện tử nói riêng và công nghiệp nói chung rất phổ biến nhưng ta không thể phủ nhận, nếu được đào tạo phù hợp và tạo điều kiện học tập, làm việc tốt nhất thì chính những người khuyết tật cũng hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp tương ứng.

Hiện tại nhiều chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra cho ngành cơ điện tử phù hợp và chưa phù hợp với các dạng khuyết tật như sau:

  • Phù hợp với người khuyết tật chi dưới và người nghe kém, người điếc. Tuy nhiên nhiều chương trình đào tạo đang được thiết kế chung cho học sinh không khuyết tật nên chưa có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc, tài liệu/video chưa có ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc, giáo viên chưa được đào tạo về phương pháp giảng dạy cho người điếc. Để biết thêm về chính sách hỗ trợ khi học tập, nên liên hệ trực tiếp với cơ sở đào tạo nghề. Để biết thêm về chính sách hỗ trợ khi học tập, nên liên hệ trực tiếp với cơ sở đào tạo nghề.
  • Đối với người người liệt tay thuận hoặc cả 2 tay thì việc học tập còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù ngành này đòi hỏi vận hành bằng tay linh hoạt. Đối với người yếu 1 tay không thuận, 1 tay hoặc 2 tay yếu nhưng vẫn cử động linh hoạt thì thì có khả năng theo học được ngành cơ điện tử. 
  • Đối với người liệt tay thuận hoặc cả 2 tay thì việc học tập còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù ngành này đòi hỏi vận hành bằng tay linh hoạt. Còn đối với người yếu tay không thuận hoặc yếu cả 2 tay thì có khả năng theo học được ngành cơ điện tử.
  • Chưa phù hợp với người khiếm thị một phần / khiếm thị toàn phần vì yêu cầu cần phải thao tác, lắp ráp với các bộ phận cơ khí, linh kiện, máy móc. Tuy nhiên với người thị lực suy giảm hoặc mù màu thì vẫn có thể theo học nghề này.

Tùy vào đam mê, sở thích, điểm mạnh, điểm yếu và mong muốn làm vị trí nào, người học có thể liên hệ với trường để được tư vấn và hướng dẫn.

Chính sách giáo dục đối với người khuyết tật

Theo quy định, “Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi, được hưởng chế độ tuyển thẳng, xét tuyển thẳng vào trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp. Đối với tuyển sinh hệ đại học, cao đẳng, người khuyết tật đặc biệt nặng được xét tuyển thẳng và được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng khi đăng ký xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.” (Điều 2 Thông tư 42/2013/ TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC).

Đối với sinh viên khuyết tật gặp khó khăn về kinh tế sẽ được miễn học phí; đối với học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc khuyết tật và có khó khăn về kinh tế thì sẽ được hỗ trợ chi phí học tập (Khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH).

Ngoài ra sinh viên khuyết tật gặp khó khăn về kinh tế sẽ được miễn học phí (Khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH) và nhận chính sách học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập như sau: 

  • Đối với người khuyết tật thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục: hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở căn cứ theo quy định trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó sinh viên được hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện học tập, đồ dùng học tập với mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/năm học.
  • Đối với người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang thực hiện học tập tại các cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp: được cấp học bổng 10 tháng/năm học; đối với người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang thực hiện học tập tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt hoặc trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thì người đó được cấp học bổng 9 tháng/năm học.

Đi cùng với các Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp hòa nhập, cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (DVET), thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA) đang cùng thực hiện Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” (Chương trình TVET) nhằm mục tiêu cải thiện giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam để phù hợp với thế giới việc làm đang thay đổi.

Chương trình TVET đang cung cấp học bổng cho các học viên khuyết tật muốn thử sức với các ngành nghề kỹ thuật trình độ trung cấp và cao đẳng tại 11 trường đối tác của dự án, với tổng giá trị học bổng cho năm học 2021 – 2023 lên tới 250 triệu VND. Học viên khuyết tật được miễn học phí cho toàn bộ thời gian đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng với những học viên chưa được miễn trừ bởi chính sách và các cơ chế hỗ trợ khác của nhà nước, khoán chi phí đi lại và các dịch vụ hỗ trợ khác lên đến 12 triệu VND/năm, hỗ trợ chi phí sinh hoạt mỗi tháng tương ứng với 25% mức thu nhập bình quân của tỉnh.

11 trường đối tác của dự án là: Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, Trường Cao đẳng Xây dựng Số 1 Hà Nội, Trường Cao đẳng Kỹ Thuật Việt – Đức Hà Tĩnh, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, Trường Cao đẳng Công Nghê Quốc tế LILAMA 2, Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II TP. HCM, Trường Cao đẳng Long An, Trường Cao đẳng nghề An Giang.

Các trường đào tạo ngành Cơ điện tử

Hiện nay các trường mở rộng đào tạo ngành cơ điện tử ngày một nhiều, gần như các trường kỹ thuật đều có mở chuyên ngành cơ điện tử. Do đó, cơ điện tử được triển khai đào tạo tại bậc trung cấp, cao đẳng, đại học và cao hơn.

  • Miền Bắc: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Điện lực, ĐH Giao thông vận tải, Cao đẳng Công nghiệp Nam Định, Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ, Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội, Trung cấp công nghiệp Hà Nội,…
  • Miền Trung: ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng, ĐH Nha Trang, Trường Cao đẳng Kỹ Thuật Việt – Đức Hà Tĩnh, CĐ Công nghiệp Huế, CĐ Công thương miền Trung, CĐ Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang, CĐ Nghề Đà Nẵng, CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận 
  • Miền Nam: ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Cần Thơ, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, CĐ Công thương TP.HCM, CĐ Cơ giới và Thủy lợi, Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, Trường Cao đẳng Công Nghê Quốc tế LILAMA 2 Đồng Nai, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II TP. HCM,Trường Cao đẳng Long An, Trường Cao đẳng nghề An Giang.

Để tìm hiểu thêm thông tin liên quan, hãy truy cập website tvet-vietnam.org/, fanpage Facebook TVET Viet Nam của Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” (Chương trình TVET).

Share on print
Share on email
Share on facebook