Tp. Hồ Chí Minh 13.11.2015,
Trong khuôn khổ hoạt động của lĩnh vực hoạt động 3: Đào tạo nghề cho lĩnh vực Xử lý Nước thải thuộc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ), đã diễn ra lớp đào tạo nâng cao đợt 7 từ ngày 03 đến 12.11.2015. Học viên là 23 giáo viên từ trường Cao đẳng nghề và 5 công ty thoát nước tham gia hợp tác đào tạo.
Khóa đào tạo nâng cao được tổ chức tại hai địa điểm: trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM (HVCT) và Nhà máy Xử lý nước thải Rạch Bà (Bà Rịa – Vũng Tàu), nhằm kết nối phần lý thuyết với thực tế, giúp học viên tiếp thu tốt hơn kiến thức phục vụ cho việc giảng dạy sau này.
Đợt đào tạo nâng cao lần này gồm 2 nội dung chính: phương pháp sư phạm đào tạo nghề tại doanh nghiệp dành riêng cho cán bộ giảng viên từ các công ty thoát nước, bồi dưỡng kiến thức về xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học, và tính toán, kiểm tra hệ thống cống.
Trong phần phương pháp sư phạm cho người đào tạo nghề tại doanh nghiệp, học viên được bồi dưỡng kiến thức về các chủ đề chính sau:
-Nguyên tắc sư phạm và phương pháp đào tạo tại doanh nghiệp
-Lập kế hoạch và chuẩn bị cho một buổi hướng dẫn tại doanh nghiệp
-Cách xử lý những tình huống khó về sư phạm nghề.
Mảng nội dung lớn thứ hai của đợt bồi dưỡng là xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học và các công nghệ vệ sinh cống với các nội dung chính sau:
-Quá trình khử Ni tơ và Phốt pho
-Cách tính toán và điều chỉnh quá trình loại bỏ Ni tơ và Phốt pho
-Thiết bị lọc nhỏ giọt, thiết bị xoay nhúng ngập và cố định sinh khối trong bể hoạt tính
-Quy trình vệ sinh cống, kiểm tra và lập hồ sơ
-Đọc bản vẽ chi tiết cống và tính độ dốc cống.
Tại nhà máy xử lý nước thải Rạch Bà, các học viên được thăm quan toàn bộ quy trình xử lý nước thải, nhằm hiểu rõ hơn phần lý thuyết khi so sánh với công nghệ thực tế. Bên cạnh đó, giảng viên Đức còn hướng dẫn cho các học viên cách thức vận hành xe hút rửa và xe vô tuyến.
Cuối đợt đào tạo, học viên đã làm các bài kiểm tra theo từng chủ đề riêng nhằm đánh giá chính xác hơn kiến thức thu được và năng lực của học viên, giúp cho việc xây dựng nội dung khóa bồi dưỡng tiếp theo hiệu quả.