TVET Vietnam

Khóa đào tạo thứ 2 của chương trình đào tạo giảng viên nguồn cho đào tạo viên doanh nghiệp trình độ cao đẳng tại Hà Tĩnh 

Trong tháng 11 và 12 năm 2022, Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” (Chương trình TVET) và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh đã tổ chức thành công chương trình đào tạo giảng viên nguồn cho đào tạo viên doanh nghiệp trình độ cao đẳng (khóa đào tạo thứ 2). Khóa đào tạo được tổ chức trong 13 ngày với thời lượng 90 giờ từ ngày 29 tháng 11 đến ngày 16 tháng 12 năm 2022 và được chia thành 3 đợt đào tạo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Khóa đào tạo thu hút sự tham gia của 26 học viên, trong đó 12 đại diện đến từ các trường đối tác của Chương trình TVET và 14 đại diện tới từ các doanh nghiệp đối tác của trường tại các tỉnh/thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Huế, Hà Tĩnh, Nha Trang, Ninh Thuận, Đà Lạt, Bình Dương và Hồ Chí Minh.  

Theo quy định tại Thông tư số 05/2022/TT-BLĐTBXH về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, đào tạo tại doanh nghiệp có thể là một phần trong thỏa thuận hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Năm 2020, với hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình “Cải cách đào tạo nghề ở Việt Nam” (Chương trình TVET), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ban hành quyết định về chương trình đào tạo cho các giảng viên/người đào tạo tại doanh nghiệp (Quyết định số 868/QĐ -TCGDNN). Chương trình đào tạo là một trong nhưng nỗ lực liên tiếp của Chương trình TVET nhằm phát triển đội ngũ giảng viên nguồn để sau này có thể cung cấp đào tạo cho các đào tạo viên doanh nghiệp. Khóa đào tạo đầu tiên được tổ chức tại Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA 2 vào tháng 9 và tháng 10 năm 2022 và đã nhận được những phản hồi tích cực từ người tham dự là giáo viên của các trường và đại diện doanh nghiệp đối tác khu vực miền Nam. Với mục đích nhân rộng khóa tập huấn này, Chương trình TVET tiếp tục tổ chức khóa đào tạo thứ hai dành cho đại diện của các trường đối tác còn lại và doanh nghiệp đối tác của các trường. 

Thầy Lê Trọng Nghĩa, giáo viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh cho biết: “Khóa tập huấn đã trang bị cho tôi những kỹ năng giảng dạy cần thiết để đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân viên, học viên học việc và thực tập sinh trong quá trình đào tạo tại doanh nghiệp. Sau khóa đào tạo, tôi có thể sử dụng nhiều nguồn tài liệu và thông tin được chia sẻ bởi các học viên khác cho quá trình đào tạo tại doanh nghiệp sau này. Ngoài ra, khóa đào tạo còn là cầu nối gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, giúp chúng tôi hiểu nhau và có chung quan điểm về đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp”.  

Theo chị Trần Thị Kim Nơ, Giám sát Nhân sự, Công ty Hanesbrands Việt Nam Huế, khóa đào tạo đã cung cấp cho học viên những kiến thức, phương pháp mới để xác định mục tiêu đầu ra, từ đó xây dựng chương trình đào tạo tại doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó, khóa tập huấn đã tạo cơ hội cho các trường và doanh nghiệp trao đổi, tìm hiểu về điều kiện hiện tại cũng như nhu cầu của mỗi bên để hiểu nhau hơn và có những bước cải tiến cho hợp tác say này. 

Sau khóa đào tạo, một số kế hoạch hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp đã được khởi xướng, trong đó, đáng chú ý là sáng kiến hợp tác đào tạo giữa Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế và Công ty Fischer Asia. 

Share on print
Share on email
Share on facebook