Từ năm 2021, các giảng viên nhân rộng của Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LILAMA 2) đã phối hợp với chuyên gia chương trình “Đối mới Đào tạo nghề Việt Nam” (TVET) triển khai thực hiện hoạt động hỗ trợ chuyển giao nhân rộng chương trình đào tạo định hướng tiêu chuẩn Đức cho các nghề Cơ khí Xây dưng, Cắt gọt Kim loại, Cơ điện tử và Điện tử Công nghiệp cho 07 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong hệ thống.
Là một trong những mục tiêu quan trọng thuộc chuỗi các hoạt động hỗ trợ chuyển giao Chương trình Đào tạo định hướng tiêu chuẩn Đức nghề Cơ điện tử cho các cơ sở GDNN trong hệ thống, Chương trình TVET đã cùng phối hợp với LILAMA 2 tổ chức khóa đào tạo nâng cao nhân rộng năng lực cho giảng viên của các trường đối tác.
Từ ngày 27/06/2022 đến ngày 07/07/2022 tại trường LILAMA 2, hai giảng viên nhân rộng là thầy Kiều Tấn Thới và thầy Lê Văn Hùng đã triển khai khóa đào tạo nâng cao chuyên môn về “Điều khiển và vận hành hệ thống Thủy lực” cho các giảng viên nòng cốt nghề Cơ điện tử từ các trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, Cao đẳng Long An, Cao đẳng nghề An Giang và Cao đẳng Công nghiệp Huế.
Tại khóa đào tạo này, các giảng viên nhân rộng của LILAMA 2 đặt mục tiêu truyền đạt và chia sẻ kiến thức chuyên môn, cũng như cơ hội thực hành cho các giảng viên các trường khác trong việc thiết kế, lắp đặt, vận hành và đánh giá hệ thống thủy lực. Hơn thế nữa, kinh nghiệm thực tiễn và các kĩ năng triển khai đào tạo cho nghề Cơ điện tử cũng được đề cập trong suốt thời gian đào tạo.
“Tôi đã được trang bị những kiến thức và nội dung cần thiết khi bắt đầu vận hành hệ thống thủy lực như: áp suất bên ngoài, nhiệt độ, môi trường, sự tương thích giữa vật liệu ống và chất lỏng, v.v. Tôi cảm thấy rất tự tin khi áp dụng những nội dung này vào hoạt động giảng dạy sinh viên tại trường mình”. Thầy Nguyễn Thành Bích, giảng viên trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận cho biết.
Thầy Kiều Tấn Thới, giảng viên nhân rông LILAMA 2 chia sẻ: “Chúng tôi rất vui vì các giảng viên tham gia khóa đào tạo có kiến thức nền rất tốt về hệ thống thủy lực. Các kiến thức cơ bản và nâng cao cũng như kỹ năng thực hành đã được giảng viên các trường tiếp thu với kết quả vượt mong đợi.”
Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ Hợp phần “Hỗ trợ các Cơ sở GDNN Chất lượng cao”, thuộc Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện.