TVET Vietnam

Khóa đào tạo nâng cao “Vận hành phòng studio e-learning và xây dựng học liệu số” tại VCMI

Nhằm thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện về Chuyển đổi số (CĐS) cho các trường cao đẳng nghề tại Việt Nam, GIZ hỗ trợ phát triển năng lực của giáo viên trong e-learning như một phần cơ bản của giáo dục trực tuyến và kế hoạch chi tiết cho việc học trong tương lai.

Vào ngày 26 và 27 tháng 7 năm 2022, Chương trình Việt Đức “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” đã tổ chức khóa đào tạo nâng cao về “Vận hành phòng studio e-learning và Xây dựng học liệu số” tại Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (VCMI). Đây là khóa học được thiết kế riêng cho 25 giảng viên và cán bộ của Nhà trường, và là hoạt động bổ trợ đầu tiên sau khóa tập huấn về “Khai thác thiết bị phòng E-learning/studio và Quy trình sản xuất học liệu số” cho 11 trường cao đẳng đối tác vào tháng 6 năm 2022.

Trong năm 2021 và 2022, GIZ đã hỗ trợ VCMI các công cụ số và phần mềm giáo dục cần thiết cho phòng e-learning. Vì vậy, các thành viên thuộc Tổ chuyên trách Chuyển đổi số của VCMI và chuyên gia đào tạo – ThS. Nguyễn Thế Lưỡng đã thiết kế và thực hiện khóa đào tạo này với phương pháp đào tạo thực hành, tập trung vào bài học thực tiễn, với toàn bộ nội dung triển khai trên nền tảng học và thi trực tuyến (LMS), để trang bị cho giảng viên những kỹ năng cần thiết trong việc tối ưu hóa cách sử dụng thiết bị phòng e-learning. Theo đó, người tham dự được chia thành hai nhóm đối tượng: Kỹ thuật viên (KTV) và Người trình bày (NTB). Trong đó, KTV phải tham gia cả hai ngày và NTB chỉ cần tham gia vào ngày tiếp theo.

Ở ngày thứ nhất, KTV được giới thiệu về cách bố trí trường quay, phần mềm dựng phim và thao tác trực tiếp với các thiết bị như máy ảnh, máy ghi hình, micro, v.v. Sau đó, họ sẽ phải bắt tay vào quay phim (bản thô) theo kịch bản có sẵn để làm quen với quy trình xây dựng học liệu số.

“Trước đó, tôi đã có tìm hiểu về các thiết bị này nhưng chưa ứng dụng vào việc sản xuất bài giảng dưới hình thức video. Buổi đào tạo hôm nay là một bước đệm để KTV có thể chuẩn bị tốt hơn cho ngày quay chinh thức với nhóm NTB”. – Thầy Nguyễn Tuấn Vũ, Giảng viên Khoa Điện-Điện tử chia sẻ.  

Trong ngày đào tạo thứ hai, cả hai nhóm KTV và NTB đều tập trung vào việc xây dựng các nguồn tài nguyên để soạn bài giảng. Cụ thể, các giáo viên được hướng dẫn quy trình sản xuất học liệu giảng dạy, cách xây dựng kịch bản dạy học (sử dụng các kho tài nguyên đồ họa), cũng như các thao tác và ngôn ngữ hình thể khi đứng trước ống kính.

“Đối với nhóm NTB, họ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng bài giảng và truyền tải kiến thức trên lớp. Do đó, KTV sau khi được đào tạo về các thiết bị sẽ hỗ trợ tốt hơn cho NTB trong việc giao tiếp với máy quay để sản xuất ra được những thước phim tự nhiên nhất, sinh động nhất”. – Thầy Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ, trường VCMI cho biết.

Share on print
Share on email
Share on facebook