TVET Vietnam

Khóa đào tạo Hệ thống quản lý học tập (LMS) cho giáo viên nòng cốt Trường Cao đẳng đối tác

Ngày 28 & 29/07/2022, Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam thuộc Tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ tổ chức Khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động dạy và học trên môi trường số trên hệ thống LMS sử dụng nền tảng phần mềm mã nguồn mở Moodle. 48 giáo viên nòng cốt từ 11 Trường đối tác GIZ được chọn tham gia tham gia khóa đào tạo với mong muốn lĩnh hội kiến thức và để đào tạo lại cho đội ngũ giáo viên của trường mình. 

Khóa đào tạo tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng BigBlueButton.
Một số học viên Khóa đào tạo

Từ năm 2020, đa số các Trường Cao đẳng đối tác của GIZ đã xây dựng và sử dụng nền tảng quản lý học tập (LMS) ứng dụng Moodle nhằm tăng cường hoạt động đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, năng lực khai thác nền tảng LMS tại các Trường là rất khác nhau. Khóa đào tạo giúp học viên khai thác chuyên sâu công cụ trên cũng như việc quản trị nền tảng LMS Moodle hiệu quả và phù hợp nhất với nhu cầu của các Trường. 

Cùng với các hoạt động hỗ trợ CĐS khác, Chương trình TVET định hướng từng bước xây dựng nên một cộng đồng gồm các giáo viên nòng cốt có năng lực và đam mê, những người đóng vai trò tiên phong tạo thay đổi, thúc đẩy chia sẻ bài học và kinh nghiệm thực tiễn, và hướng đến đào tạo nhân rộng trong tương lai. 

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Vũ – chuyên gia đào tạo đang hướng dẫn tạo ngân hàng câu hỏi trong Moodle

Trong 02 ngày đào tạo, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Vũ tập trung hướng dẫn các nội dung theo sát nhu cầu thực tế của các thày cô, bao gồm: Hướng dẫn cài đặt nâng cao của khóa học Moodle, Thực hành tạo điểm danh trên LMS, Xây dựng và quản lý ngân hàng câu hỏi Moodle, Sử dụng cơ sở dữ liệu để thu thập phản hồi và dữ liệu từ người học, Đánh giá người học dựa trên portfolio học tập trực tuyến, Thiết lập chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo cho các hoạt động học tập và nộp dự án cuối khóa. 

Với chương trình đào tạo mang tính thực tiễn cao, cả giảng viên và học viên đều nỗ lực để vừa nghe giảng vừa thực hành, khắc phục những hạn chế của đào tạo trực tuyến so với đào tạo trực tiếp. Khảo sát đánh giá sau khóa đào tạo cho thấy hơn 90% người tham dự hài lòng với nội dung và chất lượng của khóa học ở mức hoàn toàn hài lòng và hài lòng. Các đề xuất phổ biến nhất sau khóa học là có thêm các khóa học bổ trợ về nền tảng LMS, thêm thời gian để thầy cô thực hành thêm cũng như các đề xuất về tìm hiểu các tính năng cụ thể khác của LMS. Điều này đã thể hiện nhu cầu lớn về LMS của đội ngũ giáo viên tại các Trường CĐ cũng như những lợi ích mà LMS mang lại để nâng cao hiệu quả cho việc giảng dạy và quản lý học tập. 

Các Trường Cao đẳng đối tác GIZ đã được đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; hệ thống đám mây để đáp ứng được công tác đào tạo trực tuyến. Bên cạnh đó, các trường cũng được đầu tư các studio, xây dựng học liệu. Các hạng mục này đồng thời giúp nhà trường tăng cường sản xuất học liệu, ghi hình để thực hiện các buổi giảng dạy, xây dựng nguồn học liệu cho LMS… Đây là những hoạt động hỗ trợ mang tính đồng bộ, kịp thời, giải quyết ngay các vấn đề trước mắt để các trường theo kịp với bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay. 

Share on print
Share on email
Share on facebook