TVET Vietnam

Hội thảo “Góp ý, chỉnh sửa tài liệu tham khảo cho chương trình đào tạo nghề Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải”

Trong khuôn khổ các hoạt động xây dựng chương trình đào tạo tiêu chuẩn Đức cho nghề Xử lý nước thải thuộc Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” – TVET/GIZ, hội thảo “Góp ý, chỉnh sửa tài liệu tham khảo cho chương trình đào tạo nghề Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải” đã được tổ chức tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 02.

Mục tiêu của hội thảo là tổng hợp các ý kiến đóng góp để hoàn thiện giáo trình cho ba mô-đun do giảng viên Trường Cao đẳng Xây dựng số 1 và Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II biên soạn; cũng như cùng nhau thảo luận và thống nhất kế hoạch hoạt động năm 2023 cho nhóm các trường đối tác.

Tham gia hội thảo có 33 đại biểu là các thầy cô giảng dạy nghề Xử lý nước thải tại ba trường đối tác, các cán bộ doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo cũng như đại diện của GIZ và đơn vị tư vấn GOPA.  

Mở đầu hội thảo, cô Nguyễn Thu Hiền và cô Vũ Linh Huyền Trang của Trường Cao đẳng Xây dựng số 1 đã trình bày về việc biên soạn bài giảng chi tiết cho Mô-đun 3 về Vận hành mạng lưới thu gom và thoát nước thải; và tiếp theo sau đó là Mô-đun 4 về Bảo dưỡng, bảo trì mạng lưới thoát nước. Ngày tiếp theo, cô Trần Thị Loan và Nguyễn Thị Minh Huệ của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đã có phần trình bày về nội dung của Mô-đun 6 Vận hành nhà máy xử lý nước thải nằm trong giáo trình chuẩn 12 mô-đun theo tiêu chuẩn Đức.  

Các thầy cô đến từ ba trường cũng như các cán bộ doanh nghiệp đã được chia thành từng nhóm để thảo luận chi tiết về từng phần trong mô-đun cũng như các bài tập thực hành kèm theo. Các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và cùng hợp tác để xây dựng tài liệu một cách hiệu quả nhất.  

Bà Maria Zandt – Phó Giám đốc Chương trình TVET – GIZ, nhấn mạnh rằng việc sửa đổi các tài liệu này là vô cùng quan trọng, nhất là trong việc giảng dạy chương trình. Bên cạnh đó, ý kiến của các cán bộ doanh nghiệp là rất cần thiết để có thể xây dựng nội dung đào tạo sát với thực tế nhu cầu của thị trường.    

Sau khi hoàn thành chỉnh sửa các mô-đun trên, các đại biểu cũng thống nhất phương án hợp tác và phân công triển khai các mô-đun còn lại của chương trình đào tạo trong năm 2023. Vào ngày cuối cùng, các thầy cô cũng đã có buổi trao đổi thực hành tại phòng lab ở trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, và có những chia sẻ kinh nghiệm rất quý giá với những thí nghiệm về BOD (thước đo lượng oxy cần thiết để loại bỏ các chất thải hữu cơ ra khỏi nước trong quá trình phân hủy bởi vi khuẩn hiếu khí) hay COD (lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ).    

Hội thảo là cơ hội kết nối giữa các trường và doanh nghiệp để cùng đóng góp vào sự phát triển mô hình Đào tạo phối hợp, giúp cho sinh viên của các trường gia tăng thời gian thực hành tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các thầy cô tại các trường đối tác đã được tăng cường về kiến thức chuyên môn cũng như năng lực giảng dạy để tiếp tục triển khai chương trình được chuyển giao.    

Share on print
Share on email
Share on facebook