“Thúc đẩy sự hợp tác và tham gia của Người sử dụng lao động vào giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một giải pháp đột phá trong cải cách GDNN để nâng cao chất lượng của lực lượng lao động trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” Tiến sỹ Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục Trưởng,Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp phát biểu trong cuộc “Tọa đàm về các quy định của pháp luật lao động và sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác giáo dục nghề nghiệp”. Đây là sự kiện do Tổng Cục GDNN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” đồng tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19 tháng 4 năm 2019.
“Việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động GDNN đã được Tổng cục GDNN, các bên liên quan và các nhà tài trợ quốc tế thúc đẩy và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên để cho việc tham gia của DN trong hoạt động GDNN một cách hiệu quả, thực chất và rộng rãi cần có nhiều những thay đổi mang tính hệ thống trong đó có những thay đổi về hạ tầng pháp luật”, Ông Võ Tấn Thành, Phó Chủ Tịch VCCI kiêm Giám đốc chi nhánh VCCI Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Buổi tọa đàm là cơ hội để gần bốn mươi doanh nghiệp và hiệp hội thành viên của VCC chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh trong các ngành công nghiệp hỗ trợ, vận tải, dệt may và da giày cũng như các cơ sở GDNN trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai chia sẻ các kinh nghiệm và thách thức trong đào tạo và phát triển kỹ năng nghề.
Chương 4 của Bộ Luật Lao Động về Học nghề, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề đã quy định các hình thức để người sử dụng lao động tham gia hoạt động GDNN như thành lập cơ sở GDNN và tuyển dụng người vào học nghề, tập nghề nhưng chưa dự liệu và quy định về hình thức liên kết đào tạo giữa cơ sở GDNN và người sử dụng lao động với các giai đoạn đào tạo ở trường và đào tạo tại doanh nghiệp.
Các đại biểu chỉ rõ những bất cập và không đồng bộ của pháp luật lao động trong việc triển khai nhân rộng mô hình liên kết đào tạo. Đánh giá mô hình này là một giải pháp hiệu quả để giải quyết sự mất cân đối về cung và cầu trong thị trường lao động, các đại biểu chỉ ra tính cần thiết và các đề xuất để khuyến khích sự tham gia của khu vực doanh nghiệp vào các hoạt động GDNN: giữa cơ sở GDNN và doan nghiệp đặc biệt về thời gian phân bổ cho giai đoạn thực tập tại công Thứ nhất, Bộ Luật Lao động nên quy định doanh nghiệp được quyền tham gia hợp tác đào tạo với cơ sở GDNN để đào tạo nghề các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đằng. Thứ hai, cần có quy định thống nhất về vai trò và năng lực tối thiểu cho người đào tạo tại doanh nghiệp trong mô hình liên kết đào tạo. Thứ ba là cần có những cơ chế hợp tác được thiết lập và thể chế hóa để đảm bảo sự hợp tác thông suốt và kịp thời giữa nhà nước, hệ thống GDNN và doanh nghiệp để kết nối GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững.
Tổng cục GDNN và Vụ Pháp chế Bộ LĐTBXH ghi nhận và tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đây là những đóng góp quan trọng cần được xem xét, cân nhắc trong quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động theo hướng tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN để nâng cao chất lượng hệ thống và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động góp phần nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Sự kiện này là một hoạt động trong khuôn khổ của Bản ghi nhớ ba bên giữa Tổng cục GDNN, VCCI chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và Chương trình đổi mới đào tạo nghề về hợp tác với khu vực doanh nghiệp được ký kết tháng 4 năm 2018. Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” do Bộ Kinh Tế và Hợp tác Phát triển Liên Bang Đức tài trợ, Tổ chức GIZ phối hợp với Bộ Lao Động Thương Binh và Xã hội Việt Nam (Bộ LĐ-TBXH) thực hiện.