Giám khảo của LILAMA 2 và các doanh nghiệp đối tác đào tạo sẵn sàng triển khai các kỳ thi tốt nghiệp định hướng tiêu chuẩn Đức.
31 giảng viên từ các trường Cao đẳng LILAMA 2, An Giang, Long An và các cán bộ đào tạo đến từ các doanh nghiệp đối tác tham gia đào tạo phối hợp đã tham dự khóa đào tạo “Chuẩn bị và thực hiện các kỳ thi tốt nghiệp theo định hướng tiêu chuẩn Đức” được thực hiện bởi các chuyên gia của Phòng thủ công Handwerkskammer Erfurt (HWK), một cơ quan có thẩm quyền về đào tạo và đánh giá tại Đức.
Một khóa đào tạo giám khảo cho các nghề Cơ điện tử và Điện tử công nghiệp cũng như một khóa đào tạo cho các nghề Cơ khí xây dựng và Cắt gọt kim loại – CNC đã lần lượt diễn ra trong giai đoạn từ ngày 26.08 – 06.09.2019 và 18-26.09.2019 tại trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2, Long Thành, Đồng Nai.
Trong suốt hai khóa đào tạo kéo dài 80 giờ này, người tham dự từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp đã có đủ kiến thức và kỹ năng để biên soạn các bài thi lý thuyết và bài thi thực hành cho kỳ thi tốt nghiệp. Hơn thế nữa, họ có đủ khả năng tự tổ chức, chuẩn bị và triển khai các kỳ thi tốt nghiệp cũng như đánh giá kết quả của các thí sinh trong kỳ thi thực tế theo định hướng tiêu chuẩn Đức.
“Sau khi thành lập Ban hỗ trợ kỳ thi cho các nghề nêu trên, hoạt động đào tạo cho giám khảo kỳ thi là dấu mốc cuối cùng nhằm tạo cho giáo viên của LILAMA 2 và các cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp từ công ty đối tác gồm ISHISEI, MARTECH BOILER, THUẬN HẢI, SÁNG TẠO sẵn sàng triển khai kỳ thi. Không chỉ sẵn sàng trong việc tổ chức và thực hiện kỳ thi tốt nghiệp theo định hướng tiêu chuẩn Đức mà còn cùng phối hợp xây dựng đề thi lý thuyết và thực hành với các chuyên gia đến từ doanh nghiệp tại Việt Nam.” Ông Dirk Kittel, giảng viên đào tạo giám khảo về kỹ thuật Điện-Điện tử của HWK cho biết: “”.
Ông Hartmut Stein, giảng viên đào tạo giám khảo về Công nghệ Cơ khí của HWK bổ sung: “Trong những tháng tiếp theo, các thành viên của ban hỗ trợ kỳ thi sẽ tổ chức và thực hiện kỳ thi cho các lớp thí điểm khóa 1 thuộc bốn chương trình đào tạo phối hợp tại LILAMA 2. Chúng tôi, với vai trò là chuyên gia của HWK, sẽ hướng dẫn các giám khảo trong suốt kỳ thi và kiểm tra các quy trình tương đương với tiêu chuẩn đánh giá kỳ thi của Đức”.
Phản hồi đầu tiên của người tham dự khóa đào tạo, Cô Phan Thị Anh Tú, giảng viên nòng cốt về công nghệ Cắt gọt kim loại – CNC, bày tỏ: “Cấu trúc đề thi mới và quy trình thi này khá phức tạp nhưng giúp nâng cao về chất lượng của hệ thống đánh giá các chương trình đào tạo phối hợp của chúng tôi”. Ông Chu Thanh Xuyên – quản lý sản xuất của Công ty ISHISEI nói thêm: “Khóa đào tạo này cho phép chúng tôi – những người có trách nhiệm đào tạo tại doanh nghiệp – có thể đánh giá chính xác năng lực không chỉ của các sinh viên mà còn của các nhân viên kỹ thuật thường trực tại doanh nghiệp theo mức độ năng lực cần thiết của họ”.
Thầy Huỳnh Hữu Trí đến từ Trường Cao đẳng nghề An Giang nhận xét: “Khóa đào tạo là cơ hội rất tốt để tìm hiểu các quy trình thi và cấu trúc đề thi cũng như các yêu cầu về chất lượng của Đức. Và nhất là chúng tôi đã nhận ra tầm quan trọng khi có sự phối hợp của các cán bộ có chuyên môn từ doanh nghiệp vào quá trình thực hiện kỳ thi nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra. Điều này thôi thúc chúng tôi áp dụng phương pháp đào tạo và tổ chức thi phối hợp tương ứng như thế này tại các trường An Giang và Long An, đồng thời phối hợp cùng với các doanh nghiệp đối tác.”
Khóa đào tạo nâng cao cho giám khảo được tổ chức trong khuôn khổ lĩnh vực hoạt động “Hỗ trợ Trung tâm Xuất sắc về Đào tạo nghề”, là một hợp phần của Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), được thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam (MoLISA).