TVET Vietnam

Dự án “Rà soát hành lang pháp lý chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp Việt Nam”

Trong năm 2021, Chương trình Đổi mới Đào tạo Nghề Việt Nam, phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và 11 trường cao đẳng đối tác, đã thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu thực trạng chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc hệ thống pháp luật quốc gia về CĐS còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập sẽ gây nên cản trở đối với quá trình thúc đẩy CĐS trong GDNN.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã tạo thêm áp lực buộc lĩnh vực GDNN phải chyển đổi hệ thống quản lý, quản trị, các hoạt động dạy và học lên môi trường số. Tuy nhiên, các trường cao đẳng nghề lại đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc thực thi các chính sách thuộc hành lang pháp lý về CĐS khi mà những chính sách này còn chưa phù hợp và chưa đủ chi tiết. Chính vì vậy, cùng với các chuyên gia, Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam đã tiến hành triển khai Dự án “Rà soát hành lang pháp lý CĐS trong lĩnh vực GDNN tại Việt Nam”.

Mục tiêu chính của Dự án hướng đến cung cấp cho Tổng cục GDNN, Tổ chứcGIZ, các tổ chức GDNN và các bên liên quan những phân tích mang tính hệ thống về khung pháp lý được đặt trong sự tương quan với sáu hợp phần của hệ sinh thái CĐS trong GDNN. Ngoài ta, Dự án cũng tập trung vào làm rõ những khó khăn và bất cập trong việc xây dựng và củng cố hành lang pháp lý CĐS.

Dự án được thực hiện dựa trên các phương pháp nghiên cứu như thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu, tọa đàm tư vấn, phiếu khảo sát trực tuyến để thu thập dữ liệu định tính và định lượng. Nhóm tư vấn cũng thực hiện nghiên cứu chuyên sâu vào hệ thống văn bản pháp luật hiện hành trong lĩnh vực GDNN, kết hợp với nghiên cứu văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác như đầu tư, lao động và giáo dục nói chung dựa trên mối quan hệ giữa các lĩnh vực này với hệ sinh thái CĐS trong GDNN. Bối cảnh CĐS quốc tế cũng nằm trong phạm vi nghiên cứu của Dự án nhằm thiết lập một bức tranh toàn cảnh về khung pháp lý CĐS trong và ngoài nước.

Bên cạnh những buổi họp tư vấn sâu với Đại diện Ban Lãnh đạo từ Tổng cục GDNN, nhóm chuyên gia và cán bộ thuộc Tổ chức GIZ đã triển khai 10 buổi thảo luận nhóm chuyên sâu với sự tham gia của các lãnh đạo và quản lý đến từ Tổng cục GDNN, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các tổ chức GDNN, doanh nghiệp và các hiệp hội nghề nghiệp tại 10 tỉnh/thành phố trên khắp Việt Nam. Đồng thời, Dự án cũng đã thu được gần 1200 kết quả khảo sát thông qua phương pháp gửi bảng hỏi trực tuyến được thực hiện trên quy mô toàn bộ hệ thống GDNN toàn quốc.

Share on print
Share on email
Share on facebook