TVET Vietnam

Chuyến thăm thực tế và trao đổi cấp lãnh đạo tại các trường VCMI và LILAMA 2

Từ ngày 05-06/11/2020, các chuyến thăm thực tế và trao đổi kinh nghiệm đào tạo định hướng nhu cầu, chất lượng cao và theo tiêu chuẩn quốc tế được tổ chức cho lãnh đạo bốn cơ sở Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN): Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, Trường Cao đẳng Long An, Trường Cao đẳng nghề An Giang, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Ninh. Tham gia cùng đoàn còn có các cán bộ, chuyên gia phát triển của Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam – GIZ. Mục đích hoạt động này nhằm giúp các cơ sở GDNN có cơ hội trao đổi và học hỏi kinh nghiệm phát triển và quản trị trường theo hướng trường chất lượng cao và triển khai các Chương trình đào tạo phối hợp định hướng tiêu chuẩn Đức tại các Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (VCMI) và Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LILAMA 2).

Tham quan và trải nghiệm mô hình Cơ sở GDNN Xanh chất lượng cao tại VCMI, đoàn rất ấn tượng với quá trình phát triển của nhà Trường trong những năm gần đây, đặc biệt là công tác áp dụng quản lý xưởng thực hành, công tác tuyển sinh và thí điểm hai nghề mới theo mô hình đào tạo phối hợp định hướng tiêu chuẩn Đức với sự hỗ trợ của Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam: “Công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà” và “Công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí”.  Trong không khí thân thiện và cởi mở, TS Nguyễn Văn Chương, hiệu trưởng Trường VCMI đã chia sẻ và trao đổi chân tình với đoàn những kết quả đạt được, kinh nghiệm triển khai hợp phần hợp tác kỹ thuật do GIZ hỗ trợ “Xây dựng cơ sở GDNN Xanh chất lượng cao tại VCMI”. Nhà trường cũng đưa ra những khuyến nghị cho đoàn để các trường đối tác tiếp cận với mô hình cơ sở GDNN chất lượng cao trong thời gian tới. Phát biểu kết thúc buổi trao đổi, ông Nguyễn Phan Anh Quốc, hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, đại diện cho đoàn , đánh giá cao những nỗ lực và kinh nghiệm triển khai tại VCMI. Ông cũng mong muốn được tiếp tục học hỏi phương pháp quản trị trường học của VCMI để lập kế hoạch và triển khai đưa trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận trở thành cơ sở GDNN chất lượng cao trong tương lai.

Tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2, đoàn đã được Thầy Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ kinh nghiệm triển khai thí điểm thành công Chương trình đào tạo phối hợp định hướng tiêu chuẩn Đức tại LILAMA 2 và các công ty đối tác cho các nghề Cơ điện tử, Điện tử Công nghiệp,  Cơ khí Xây dựng và Cắt gọt Kim loại. Trong buổi thảo luận, rất nhiều câu hỏi do các Trường đặt ra đã được ban Lãnh đạo LILAMA2 giải đáp chi tiết, như: đâu là những thách thức lớn nhất và làm thế nào để có được sự tham gia của các doanh nghiệp trong cả 3 giai đoạn của mô hình đào tạo phối hợp: chuẩn bị (bao gồm phát triển chương trình đào tạo), triển khai đào tạo (tại trường và doanh nghiệp) và đánh giá năng lực người học. Với kinh nghiệm của mình, bên cạnh những bài học kinh nghiệm, ban lãnh đạo LILAMA 2 cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức mà các trường có thể gặp phải trong quá trình triển khai. Đồng thời đưa ra những giải pháp và khuyến nghị để các trường tham khảo áp dụng. Tại LILAMA 2, đoàn cũng đã được trải nghiệm mô hình xưởng thực hành 3 cấp độ định hướng nơi làm việc. Đoàn rất ấn tượng với cách tiếp cận đào tạo định hướng sản phẩm và gắn với nhu cầu doanh nghiệp tại LILAMA 2. Thầy Lê Quốc Hùng – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Long An – khẳng định: “Đây là một buổi khảo sát và trao đổi rất ý nghĩa và thiết thực, chúng tôi đã học hỏi được nhiều điều từ LILAMA 2. Với những kinh nghiệm lĩnh hội được từ chuyến thăm này, chúng tôi sẽ lên kế hoạch xây dựng và phấn đấu đưa trường Long An trở thành cơ sở GDNN chất lượng cao trong tương lai.”

Trên cơ sở kinh nghiệm có được từ các chuyến tham quan và trao đổi tại VCMI và LILAMA 2, lãnh đạo các cơ sở GDNN cũng đã tham gia hội thảo tổng kết và lập kế hoạch triển khai các hoạt động chung trong thời gian tới với sự hỗ trợ của Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam. 

Hoạt động này được tổ chức trong khuôn khổ Hợp phần “Hỗ trợ các Cơ sở GDNN Chất lượng cao”, thuộc Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện.

 

TIN TỨC KHÁC