TVET Vietnam

Chia sẻ các thực hành tốt: Chuyên gia đến từ Việt Nam-Ấn Độ-Srilanka cùng nhau chia sẻ về phát triển kỹ năng trong ngành Năng lượng tái tạo

Ngày 19/10/2023, tại Ninh Thuận đã diễn ra Hội thảo Kỹ thuật về “Phát triển kỹ năng trong Lĩnh vực Năng lượng tái tạo (NLTT)”, thu hút sự tham gia của hơn 70 đại diện đến từ các cơ quan sở ban ngành tỉnh Ninh Thuận và tỉnh lân cận, đại diện từ Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, các trường cao đẳng chất lượng cao, doanh nghiệp hàng đầu và rất nhiều các chuyên gia về NLTT. Đặc biệt, hội thảo cũng có sự tham gia của các đại diện từ Bộ Giáo dục, Ủy ban và cơ quan Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Hội đồng kỹ năng nghề Việc làm xanh, Năng lượng, Ô tô và các chuyên gia đến từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức đến từ Ấn Độ và Sri Lanka. Những trao đổi kỹ thuật và chia sẻ thực tiễn của ba nước tại hội thảo là những kinh nghiệm hữu ích và hứa hẹn sẽ là chìa khóa mở đường cho tỉnh Ninh Thuận, địa phương đang tập trung vào việc khai thác tiềm năng về phát triển NLTT. 

Cùng với sự phát triển năng động của ngành NLTT ở Việt Nam trong bốn năm qua, Ninh Thuận có nhiều bước nhảy vọt và trở thành địa phương dẫn đầu Việt Nam trong lĩnh vực này, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Điều này mang tới nhiều cơ hội nhưng đồng thời đòi hỏi trang bị một lực lượng lao động có tay nghề cao, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của ngành. “Chuyển dịch năng lượng đang là xu hướng tất yếu của phát triển năng lượng bền vững đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh năng lượng. Tuy nhiên, chuyển dịch năng lượng cũng đặt ra những câu hỏi làm sao đảm bảo bồi dưỡng và nâng tầm kỹ năng cho người lao động, tìm kiếm các cơ hội việc làm công bằng, duy trì sinh kế và ổn định cuộc sống cho tất cả nhóm lao động”, ông Trần Đức Long, Phó Giám đốc Sở Lao Động Thương binh Xã hội tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh. 
Để giải quyết thách thức này, cần có những cơ chế chính thức thúc đẩy sự tham gia của các bên, đặc biệt là của doanh nghiệp đồng hành cùng nhà trường trong quá trình thiết kế, triển khai và đánh giá đào tạo, trong đó phải kể đến cơ chế hội đồng Kỹ năng. Ninh Thuận là tỉnh tiên phong áp dụng cơ chế Hội đồng này thông qua việc thành lập Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh. Mô hình nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” thông qua hỗ trợ từ trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Hồ Chí Minh. Mô hình này đóng vai trò cần thiết để tăng cường gắn kết giữa thị trường lao động và GDNN cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và khu vực. 

Mô hình hội đồng kỹ năng đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới nhờ tính thực tiễn của nó. Với những đại diện từ phía người sử dụng lao động, các cơ quan chính phủ, các cơ sở GDNN, hiệp hội ngành nghề, công đoàn, và các cơ quan chuyên môn, hội đồng kỹ năng có vai trò tham vấn chiến lược chính sách, phát triển kỹ năng, nâng cao năng lực ngành, hỗ trợ thông tin thị trường lao động, dự báo kỹ năng, v.v… từ đó đảm bảo đào tạo gắn với nhu cầu và xu hướng của thị trường. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang diễn ra sự chuyển dịch mạnh mẽ về kỹ năng và việc làm xanh. 

Ông Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, Trưởng tiểu ban Năng lượng tái tạo, Hội đồng GDNN tỉnh Ninh Thuận nhận định “Tại trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, tăng cường hợp tác chặt sẽ với các bên đặc biệt là doanh nghiệp trong đào tạo là trọng tâm mà nhà trường luôn hướng tới. Chúng tôi nhấn mạnh sự hợp tác này trong mô hình đào tạo phối hợp, Hội đồng tư vấn nghề và tiểu ban Năng lượng tái tạo. Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và trang thiết bị đào tạo cũng được nhà trường chú trọng để đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp có đủ kỹ năng cứng và mềm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động”. 
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các Hội đồng Kỹ năng nghề khác nhau, từ các cơ quan GDNN tại Ấn Độ và Sri Lanka và Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận đã trình bày về những kinh nghiệm vận hành Hội đồng kỹ năng nghề cấp ngành và Trung tâm xuất sắc về Năng lượng tái tạo và Hội đồng GDNN tỉnh, tiểu ban năng lượng tái tạọ. Các đại biểu cũng cùng nhau thảo luận chuyên sâu về những mô hình hội đồng kỹ năng nghề thành công, kinh nghiệm triển khai đánh giá nhu cầu kỹ năng, hợp tác doanh nghiệp ở ba nước Việt Nam, Ấn Độ và Sri Lanka trong phiên thảo luận chuyên gia về “Khoảng cách kỹ năng trong lực lượng lao động ngành năng lượng tái tạo”. Đây là những bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng trong những bước đi đầu tiên nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo tính sẵn sàng cho lực lượng lao động cho ngành NLTT trong giai đoạn chuyển dịch này.  

Sự kiện được tổ chức bởi Hội đồng GDNN tỉnh Ninh Thuận và Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, với sự hỗ trợ kỹ thuật của chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”. Chương trình do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, tổ chức GIZ cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình nhằm mục đích gắn kết công tác đào tạo nghề tốt hơn với thế giới việc làm đang không ngừng thay đổi, ngày càng trở nên xanh và được số hóa hơn. 

Share on print
Share on email
Share on facebook